Thịt ngoại lấn thịt nội

Không có nhiều ưu thế trong chăn nuôi công nghiệp, không được hỗ trợ cải thiện con giống, kỹ thuật..., các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam chấp nhận đối mặt với cái chết được báo trước

Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 81.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Dự kiến cả năm 2013 nhập tổng cộng 90.000 tấn. Lượng thịt gia cầm nhập khẩu chiếm khoảng 70%, tương đương 57.000 tấn. Tổng số trâu bò nhập khẩu để giết mổ làm thực phẩm trong năm nay ước khoảng 151.611 con.

Tràn ngập siêu thị

Thịt bò Úc hiện đã phủ khắp hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP HCM như Co.opmart, Co.opFood, SatraMart, SatraFood, Maximark, Vinatex, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan... Khảo sát tại Co.opmart Phú Mỹ Hưng (quận 7) cuối tuần qua cho thấy giá thịt bò Úc chỉ nhỉnh hơn thịt bò nội từ 2% - 3%. Tại hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart..., thịt bò Úc cũng tiêu thụ khá mạnh. Theo các siêu thị, mức chênh lệch vài chục ngàn đồng/kg nhưng ngon hơn, mềm hơn đã kéo lượng lớn người tiêu dùng bỏ bò Việt, chuyển sang mua thịt bò Úc. Không chỉ tiêu thụ mạnh ở kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thịt bò Úc được rao bán khá rầm rộ trên các trang mạng. Nhiều hệ thống nhà hàng, quán ăn cũng dán thông báo dùng 100% bò nhập khẩu cho món ăn của mình.

Thịt ngoại lấn thịt nội - 1

Thịt bò Úc được bán rất nhiều ở các siêu thị, đánh bạt thịt bò nuôi trong nước nhờ giá rẻ, thịt ngon hơn Ảnh: HỒNG THÚY

Ngoài Công ty Trung Đồng trực tiếp nhập khẩu bò Úc, giết mổ và phân phối ra thị trường, từ tháng 9, Công ty Vissan cũng giết mổ và bán ra thị trường một lượng lớn bò Úc. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, trung bình mỗi tháng Vissan giết mổ khoảng 1.500 con bò Úc (trọng lượng 500 kg/con).

Sau hàng loạt thông tin về thịt gà dai (gà thải loại từ Trung Quốc, Hàn Quốc) không đạt chất lượng dinh dưỡng và tồn dư nhiều chất kháng sinh vượt mức cho phép, gà thải loại vẫn đang được bán tại một số siêu thị, chợ ở TP HCM. Mặt hàng đùi, cánh gà nhập khẩu tạm lắng do gà trong nước giá giảm mạnh nhưng có khả năng được đưa vào thị trường Việt Nam bất cứ lúc nào. Bà Phạm Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết công ty đang tạm ngưng nhập đùi, cánh gà. Trước đây, mặt hàng này được nhập từ Mỹ về, sau khi cộng hết các chi phí và lợi nhuận, giá bán ra thị trường rẻ hơn gà giết mổ trong nước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Thua, lỗ là tất yếu

Theo ông Văn Đức Mười, hiện tổng đàn bò vàng trong nước khoảng 6 triệu con, được chăn nuôi theo hộ gia đình rải rác từ cao nguyên đến đồng bằng, không đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hằng ngày, nhất là tại các đô thị lớn. Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu bò sống từ Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar qua đường cửa khẩu biên mậu với số lượng lớn nhưng bị “nội địa hóa nhanh” nên nhiều người không nhận ra bò nhập. Nguồn hàng này có giá không ổn định và thường xuyên bị thương lái bơm nước nên không bảo đảm chất lượng. Do đó, việc chuyển sang nhập bò chính ngạch từ Úc thay thế dần bò nhập qua đường mậu biên là điều tất yếu. Bò Úc được nhập khẩu chính ngạch là bò sạch. Một lợi thế khác là bò Úc trọng lượng lớn, khoảng 500 kg/con, tỉ lệ thịt sau giết mổ là 55% trong khi bò vàng trọng lượng chỉ khoảng 250 kg và tỉ lệ thịt sau giết mổ chỉ 50%.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Vang, cho biết theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Úc, từ đầu năm đến nay, nước này xuất sang Việt Nam khoảng 36.000 con bò sống, trị giá tương đương 24 triệu USD, trọng lượng trung bình từ 350 - 500 kg/con, với giá bò hơi khoảng 2 USD/kg. “Nếu cộng các chi phí vận chuyển, thuế, hao hụt..., giá thành khoảng 2,4 USD/kg thì giá bán lẻ trên thị trường là phù hợp, không có dấu hiệu bán phá giá. Bởi Úc, Mỹ, Canada đặc biệt có lợi thế trong chăn nuôi bò nên giá thành thấp” - ông Nguyễn Đăng Vang nói.

Ở lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, chủ một trang trại nuôi gà ở Đồng Nai cho biết hiện giá gà công nghiệp lông trắng xuất chuồng chỉ 26.000 - 27.000 đồng/kg nhưng ít người mua. Gà đến lứa xuất chuồng, tính sơ tiền cám là 24.000 đồng (12.000 đồng/kg), con giống 10.000 đồng, chưa kể lương công nhân, điện, nước... Vì vậy, với giá bán dưới 30.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng.

Giám đốc một nhà máy chế biến thực phẩm ở Đồng Nai cho biết trước đây đơn vị ông cũng đầu tư nuôi gà nhưng giá gà lên xuống bấp bênh nên đã dẹp chuồng trại, tập trung nuôi heo. Vị này cho biết thêm tại một số nước có ngành công nghiệp chăn nuôi tiên tiến, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn chỉ từ 1,2 - 1,6 kg/kg tăng trọng nên giảm được giá thành đáng kể, trong khi ở Việt Nam là từ 2 kg thức ăn/kg tăng trọng trở lên.

Khó lật ngược tình thế

Thực trạng hiện tại báo hiệu một tương lai khá u ám cho ngành chăn nuôi. Theo giới chuyên môn, một khi Việt Nam gỡ bỏ thuế quan theo lộ trình hội nhập, sản phẩm chăn nuôi các nước sẽ ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ hơn. Khi đó, nếu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát tốt, người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng sản phẩm chất lượng, giá rẻ nhưng ngược lại, ngành chăn nuôi trong nước sẽ... chết. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho rằng tương lai phá sản ngành chăn nuôi gà, bò là khó tránh khỏi. Đó cũng là cái giá phải trả cho việc hội nhập sân chơi quốc tế.

Theo ông Phạm Đức Bình, Việt Nam không có ưu thế do phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, giá thành cao, không có công nghệ chế biến (gà) và không có đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò quy mô lớn. Hiện tại, bò, gà ngoại nhập vào Việt Nam phải chịu thuế nhưng sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh lại về giá, sắp tới, các hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực và có thể thêm TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì ngành chăn nuôi Việt Nam chắc chắn thua.

“Do tập quán tiêu dùng, đùi, cánh gà là hàng thứ phẩm của các nước nhưng lại là hàng chính phẩm của Việt Nam. Vì là hàng thứ phẩm nên giá bán rất rẻ. Cánh, đùi gà nhập vào Việt Nam chỉ khoảng 0,85 USD/kg, cộng cả thuế 18% - 20% vẫn chưa đến 20.000 đồng/kg, rẻ hơn cả gà sống bán tại trại chăn nuôi trong nước. Đến năm 2018, theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu về 0%, giá bán các mặt hàng đùi, cánh gà đông lạnh sẽ rẻ hơn nữa, ngành chăn nuôi gà lông trắng Việt Nam không tránh khỏi xóa sổ. Chúng ta chỉ có thể lật ngược tình thế khi doanh nghiệp xuất khẩu ức gà sang các nước và dành đùi, cánh tiêu thụ trong nước. Nhưng đây là việc cực kỳ khó” - ông Phạm Đức Bình nói.

Nhìn lại mình

Ông Văn Đức Mười cho rằng đến năm 2015, các sản phẩm chăn nuôi từ các nước nhập vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, ngành chăn nuôi trong nước muốn cản cũng không được. Vì thế, đây là lúc để ngành chăn nuôi nhìn lại mình, làm sao để tăng được tính cạnh tranh thay vì “so bì” tại sao sản phẩm từ các nước có lợi thế hơn. Đối với đàn bò, cần cải thiện từ con giống cho đến công nghệ chăn nuôi và nó đòi hỏi thời gian không thấp hơn một thập kỷ.

Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân - đơn vị vừa tham gia phân phối mặt hàng thịt gà - lẽ ra trước lộ trình cắt giảm thuế, từ những năm trước, nhà nước phải có tầm nhìn và ủng hộ phát triển nông nghiệp trong nước thông qua các giải pháp như hạ lãi suất, quy hoạch vùng chăn nuôi, hỗ trợ đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật... Trong điều kiện Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giá cao, lãi suất chưa hạ, doanh nghiệp không đủ lực để đầu tư nên khó có thể giảm giá thành chăn nuôi để cạnh tranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN