Thịt lợn 27.000 đồng/kg không rõ nguồn gốc: Muốn bao nhiêu cũng có!
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu với giá siêu rẻ đang làm “nóng” thị trường trong nước. Giá rẻ đến mức khiến người ta nghi ngờ về chất lượng loại thịt này...
Không nguồn gốc và giá… siêu rẻ
Địa chỉ website...donglanh.com quảng cáo sản phẩm tim lợn nhập khẩu: “Tim lợn đối với nhiều người ở Việt Nam thì nó là món ăn đắt nhất trong các bộ phận của con lợn. Hiện nay, giá một kg tim lợn tại các chợ có giá 150.000 đồng/kg. Đại lý thực phẩm đông lạnh H.M nhập khẩu một số lượng lớn tim lợn từ nước ngoài có giá thành cực thấp phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các quán ăn bình dân, các đám cỗ... hay thậm chí sử dụng trong các nhà hàng sang trọng”.
Theo thông tin từ sản phẩm đông lạnh H.M cho biết, sản phẩm của họ được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nên khách hàng hoàn toàn yên tâm. Tim lợn đông lạnh được đóng thùng với mỗi thùng 10kg.
Tim và sườn lợn đông lạnh giá rẻ được rao bán online. Ảnh: H.P
Cũng giống như …donglanh.com, các điểm bán hàng đông lạnh online ở miền Bắc khẳng định họ bán với giá thấp nhất thị trường. Khách hàng không chỉ phổ biến ở Hà Nội mà còn có mặt tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...
Thịt ngoại giá rẻ không chỉ len lỏi vào các quán ăn, nhà hàng mà nó đang đẩy các loại thịt có nguồn gốc trong nước ra khỏi mâm cơm người Việt. Ghi nhận của chúng tôi, móng giò có xuất xứ từ Ba Lan, giá nhập khẩu ghi rõ là 0,8 USD/kg (hơn 17.000 đồng/kg). Trong khi đó giá móng giò lợn tại thị trường Việt Nam đang có giá là 40.000 đồng/kg. Như vậy, móng giò nhập khẩu rẻ hơn một nửa so với móng giò xuất xứ trong nước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 3 tháng đầu năm, thị trường Việt nhập gần 7.800 tấn thịt lợn. Tính bình quân mỗi kg thịt lợn có giá 27.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bình quân thịt lợn trong nước giá 90.000 đồng/kg.
Giá mặt hàng thịt gà nhập khẩu cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà công nghiệp trong nước có giá 60.000 đồng/kg, thịt gà ta có giá lên đến 120.000 đồng/kg. Như vậy, thịt gà nhập khẩu rẻ hơn từ 2 - 6 lần thịt gà trong nước.
Hiện nay, một số chợ đầu mối của Hà Nội xuất hiện loại thịt đông lạnh với mức giá rẻ hơn quá nửa so với giá thịt tươi. Loại thịt này, được người bán hàng giới thiệu là “hàng nhập khẩu”. Chúng tôi hỏi mua một tiểu thương bán buôn thịt lợn tại chợ Tả Thanh Oai trên đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), chị này cho biết: “Thịt giá rẻ cần bao nhiêu cũng có. Nếu muốn lấy số lượng lớn chỉ cần gọi điện thoại giao dịch là sẽ có hàng giao tận nơi”. Chị này tiết lộ, giá thịt ba chỉ đông lạnh chỉ dưới 30.000 đồng/kg. Nếu lấy số lượng lớn để mở quán cơm bụi sẽ có giá “mềm” hơn.
Khi hỏi xuất xứ loại thịt đông lạnh, chị này cho biết: “Cứ hàng đông lạnh là được, mang về chế biến tươi ngon như thường. Không phải nghĩ, chị buôn bán ở đây bao nhiêu năm rồi”.
Không chỉ thịt lợn đông lạnh mà gà đông lạnh cũng được bán khá phổ biến ở các chợ đầu mối. Loại “gà đông lạnh ngoại nhập” có mặt ở một số các sạp hàng chợ Phùng Khoang (quận Hà Đông). Đó là loại thịt gà được phân thành từng loại như: đùi, chân, cánh. Chúng được chào bán với giá không thể rẻ hơn, chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Điều đáng nói là tất cả những loại thịt đông lạnh này đều không có tem nhãn, xuất xứ, đều được đựng trong thùng xốp lớn.
Dễ kém chất lượng, quá đát
Thịt gà đông lạnh được bán ở chợ Phùng Khoang (ảnh cắt từ clip).
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy người Việt đang tiêu thụ nhiều nhất là các phụ phẩm như cánh, móng giò, nội tạng lợn. Sở dĩ gọi là phụ phẩm vì người dân những nước xuất khẩu hầu như không sử dụng. Thị trường Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt lợn từ châu Âu như Đức hoặc Ba Lan. Thịt bò và các sản phẩm thịt bò, thịt gà từ Mỹ. Vấn đề quan trọng đối với các sản phẩm nhập khẩu là được bảo quản lạnh khoảng - 18 độ C, được vận chuyển liên tục từ container đến các đại lý, đến các cửa hàng bán lẻ rồi đến tay người tiêu dùng, những lô thịt này liệu có tránh được nguy cơ rã đông nhiều lần dưới sức nóng của vùng nhiệt đới.
Theo quy định, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Nếu sản phẩm kém chất lượng, không đạt yêu cầu thì buộc phải tiêu hủy, tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, PGS - TS Lê Văn Năm, chuyên gia thú y chăn nuôi băn khoăn: “Từ khi kiểm dịch đến lúc nhập khẩu, lúc lưu kho, phân phối đến các cửa hàng, hàng hóa được vận chuyển trên những phương tiện nào? Có chuyên dụng hay không? Đến khi vào đến các cửa hàng có đầy đủ các thiết bị đảm bảo hay không? Tất cả đó là cả một dây chuyền mà lúc nào cũng phải được kiểm dịch chứ không phải kiểm dịch mỗi đầu vào”. Trong khi một số nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trang trại lợn quy mô lớn ở miền Trung tỏ ra nghi ngờ với mức giá thịt lợn nhập rẻ hơn bình thường sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ do hàng kém chất lượng, quá đát.
Cứ cho là hàng nhập khẩu đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng thông tin từ các cơ quan chức năng cảnh báo các loại thịt kém chất lượng đang mượn danh hàng đông lạnh nhập khẩu vẫn tung hoành trên thị trường trong khi cơ quan chức năng không kiểm soát hết do lực lượng mỏng. Vì vậy, để bảo vệ mình, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm đảm bảo chất lượng ở địa chỉ bán hàng uy tín.
“Ở nước ngoài người ta không ăn cánh gà, đầu gà... nên mới đưa về Việt Nam. Tuy nhiên nó khá bất thường khi có giá rẻ như vậy nếu tính phí vận chuyển, việc bảo quản cũng tốn kém” - ông Hồ Sỹ Hoàn, cán bộ quản lý vùng miền Trung của Công ty thức ăn chăn nuôi A.N.T Việt Nam nói. |