Thịt heo rớt giá mạnh
Ngành heo lại rơi vào "khủng hoảng thừa" như đã từng xảy ra vào năm 2017 hay sẽ sớm phục hồi sau khi đã xác lập giá đáy?
Trước Tết Nguyên đán 2023, giới chăn nuôi phía Nam rất kỳ vọng giá heo hơi sẽ tăng vào dịp Tết nhưng ngược lại thị trường lại giảm khoảng 6.000 đồng/kg so với giá bình quân của quý IV/2022. Điều này chưa từng có trong nhiều năm gần đây cũng như việc giá heo hơi thấp hơn bình quân kéo dài đến hơn 1 năm cũng là chuyện chưa từng xảy ra.
Áp lực cung quá lớn
Theo tính toán từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi heo đang bị lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con 100 kg với giá xuất chuồng hiện tại (từ 50.000 - 56.000 đồng/kg). Với mức giá này, người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ chuồng nhưng nguồn cung không giảm do nhiều doanh nghiệp (DN) liên tục đầu tư vào chăn nuôi heo với số lượng lớn. Cụ thể, lượng heo thịt mà C.P. Việt Nam mỗi ngày cung cấp ra thị trường tăng từ 16.000 con lên 20.000 con, CJ từ 5.500 con lên 7.000 con, Japfa từ 1.000 con lên 1.700-1.800 con, Emivest cũng tăng lên gần 1.500 con.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng đã lên kế hoạch nuôi 1 triệu con "heo ăn chuối" trong năm nay để tận dụng lợi thế là nhà xuất khẩu chuối lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dù vậy, mới đây khi chia sẻ với cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, thừa nhận mảng chăn nuôi heo của HAGL trong năm 2023 sẽ không có lời do sức mua yếu và giá heo hơi ở mức thấp.
Kinh doanh thịt heo sỉ tại chợ đầu mối Hóc Môn - TP HCM. Ảnh: AN NA
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam, cũng cho biết do thị trường tiêu thụ thịt heo giảm đáng kể nên công ty cũng phải cân đối cung cầu sao cho phù hợp.
Dưới góc độ công ty nghiên cứu thị trường, ông Quách Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn Công ty Ipsos Việt Nam, cho biết nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê về giá sẽ thấy giá heo hơi thời gian qua là bất thường nhưng nhìn các dữ liệu liên quan lại thấy có sự hợp lý vì giá thành của các nhóm chăn nuôi rất khác nhau. Nếu như giá 60.000 đồng/kg, nông hộ lỗ nhưng với giá từ 50.000 - 56.000 đồng/kg thì nhiều công ty chăn nuôi có đầu tư bài bản vẫn có lời. "Tỉ trọng nhóm chăn nuôi chuyên nghiệp này mới chiếm từ 30%-35% nên dư địa tăng trưởng vẫn còn. Giá heo thấp hiện nay là do nguồn cung phục hồi tốt hơn cầu nhưng chưa đến mức khủng hoảng thừa" - ông Quách Phong nhận định.
Theo một chuyên gia trong ngành chăn nuôi (đề nghị giấu tên), giá heo hơi thấp hiện nay còn do các đơn vị chăn nuôi nhận định sai về thị trường Trung Quốc nên sản xuất bị thừa. "Họ kỳ vọng khi nước này mở cửa sẽ bán heo sang nhưng nay Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch rất chặt. Việc xuất khẩu chính ngạch phải đàm phán rất nhiều năm. Chưa kể, Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn heo đông lạnh giá rẻ từ các nước có lợi thế về chăn nuôi như: Mỹ, Canada, Nga… nên ít khả thi" - chuyên gia này cho biết.
Cần đẩy mạnh xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 13-2, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đánh giá việc nguồn cung tăng trong khi sức mua chưa cải thiện là nguyên nhân khiến giá heo hơi thấp kéo dài. "Nguồn cung ở đây không chỉ là hàng trong nước mà còn heo nhập khẩu và các sản phẩm cùng cung cấp nguồn đạm như: thịt bò, thủy sản, thịt gà, trứng… Sau giai đoạn giá thịt heo quá cao, cơ cấu đạm trong bữa ăn thịt heo không còn chiếm trên 70% như khảo sát trước đây mà đã giảm và trở thành thói quen" - ông Nguyễn Xuân Dương lý giải.
Về giải pháp cho ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng phải tiếp tục hạ giá thành vì giá thành nuôi heo của Việt Nam vẫn trong nhóm cao trên thế giới (bình quân 40.000 - 45.000 đồng/kg). Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt nhằm giảm áp lực nguồn cung về thịt ra thị trường.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Dương, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể, cải thiện về chất lượng và an toàn thực phẩm cùng với ưu điểm hàng tươi mới, xứng đáng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. "Đối với nguồn nhập khẩu, ngoài hàng chính ngạch còn có cả hàng nhập lậu không được kiểm soát, không bảo đảm chất lượng. Ví dụ, thịt đông lạnh bị xé bao bì gốc, bán lẻ không rõ hạn sử dụng, bảo quản nhiệt độ không đúng chứa nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng" - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cảnh báo.
Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cũng cho rằng nguồn cung thịt heo trong nước đang dư thừa nên cần có giải pháp tập trung cho xuất khẩu. Ngoài ra, phải có biện pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, con giống để giúp người chăn nuôi bớt lỗ.
Tuy vậy, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình, cho biết chăn nuôi hiện nay, đã thay đổi rất nhiều so với trước. Do đó, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó có thể tồn tại vì luôn trong tình trạng thua lỗ do phải đối mặt với giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh thường xuyên hiện diện gây tổn thất lớn. Chỉ có chăn nuôi theo hướng công nghiệp mới có khả năng trụ được trong ngành này.
Giá heo đã tới đáy?
Về diễn biến thị trường trong thời gian tới, ông Quách Phong cho rằng dựa theo những dữ liệu hiện tại thì giá heo hơi đang ở mức đáy và sắp phục hồi. "Cơ sở cho nhận định này là do ngành heo có một đợt dịch vào tháng 7 và 8 năm ngoái nên sẽ giảm cung sau 6 tháng, tức là khoảng tháng 3 này. Nếu giá heo hơi vẫn không lên chứng tỏ sức mua rất yếu. Tuy nhiên, các chỉ số chính về kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan, nhiều ngành hàng sản xuất khác như: gỗ, thủy sản… cũng dự báo phục hồi từ quý II sẽ kéo theo việc làm, thu nhập của người lao động tăng nên sức mua sẽ cải thiện" - ông Quách Phong dự báo.
Liên Bộ Công thương Tài chính quyết định tăng giá xăng trong kì điều hành này.
Nguồn: [Link nguồn]