Thịt heo nhập khẩu giá rẻ đe dọa ngành chăn nuôi
Thịt heo nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá trung bình chỉ 55.000 đồng một kg, rẻ hơn cả giá heo hơi nội địa, khiến ngành chăn nuôi điêu đứng.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 105.140 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, giá trị đạt 213 triệu USD, lần lượt tăng hơn 44% về lượng và 38,8% về giá trị.
Riêng thịt heo nhập khẩu tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 8.460 tấn, giá trị đạt gần 18,7 triệu USD, tăng 4,3% về lượng, nhưng giá trị lại giảm 1,1% so với cùng kỳ 2023. Điều này cho thấy giá thịt heo nhập khẩu ngày càng rẻ.
Hiện, giá thịt heo nhập khẩu trung bình về Việt Nam là 2.209 USD một tấn (khoảng 55.000 đồng một kg), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thịt được nhập từ 19 thị trường. Brazil dẫn đầu thị phần với tỷ lệ chiếm gần 40% tổng lượng thịt heo nhập của cả nước, sau đó là Nga chiếm 32,22% và Canada chiếm 9,5%...
Với mức giá khoảng 55.000 đồng một kg, thịt heo nhập khẩu đang rẻ hơn cả giá hơi xuất chuồng trong nước (58.000-63.000 đồng một kg).
Tiểu thương bán thịt heo tại chợ chung cư Vĩnh Hội (quận 4, TP HCM). Ảnh: Thành Nguyễn
Trước sức ép thịt heo nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng điều này tác động rất lớn tới ngành chăn nuôi heo.
Ông Đoán dẫn chứng, năm ngoái chỉ có khoảng 2 tháng người chăn nuôi bán heo với giá cao, còn lại 10 tháng phải tiêu thụ dưới giá thành (khoảng 45.000-54.000 đồng một kg). Do đó, mỗi con heo bán ra, người nuôi lỗ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Ngay cả các doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai cũng phải giảm đàn vì giá heo xuống thấp. Theo ông Đán, nếu không dẹp nhập lậu và không kiểm soát chặt heo nhập chính ngạch, người chăn nuôi thua lỗ sẽ giảm đàn, bỏ chuồng trại. Từ đó, nguồn cung thịt heo nội địa sẽ thiếu hụt và nguy cơ bị phụ thuộc nhập khẩu. Vô hình trung, Việt Nam từ nước có ưu thế về chăn nuôi, nông nghiệp sẽ khó đứng vững trong ngành nghề mình có lợi thế.
Trước đó, 4 hiệp hội gồm Hội Chăn nuôi, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng đã cầu cứu Thủ tướng về tình trạng gặp nhiều khó khăn trước sản phẩm nhập khẩu gia tăng. Hàng hóa ngoại lấn sân đang khiến sản phẩm chăn nuôi nội địa chịu áp lực cạnh tranh không công bằng. Đặc biệt, sản phẩm nhập lậu tràn lan, trong khi hàng nhập chính ngạch cũng không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo các hiệp hội, trên thế giới các quốc gia đã tự bảo vệ ngành nông nghiệp, sản xuất của họ bằng xây dựng các hàng rào kỹ thuật.
Chẳng hạn, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản yêu cầu hàng hóa xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao. Hoặc mỗi nước trung bình chỉ cho phép 3-5 cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống, trong khi Việt Nam là 30 cửa khẩu.
Do đó, ông Đoán cùng các hiệp hội đề nghị Việt Nam mở cửa với thế giới nhưng cần sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để kiểm soát hàng nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu nhập tràn lan.
Nếu không có biện pháp kịp thời và quyết liệt, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi nhận định, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan của các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0%, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi lậu.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại rau này không phải ai cũng biết, nhìn qua nhiều người lại tưởng là cây hoa mười giờ.