Thịt “giả” từ phòng thí nghiệm sắp có mặt tại các nhà hàng
Từng là câu chuyện khoa học viễn tưởng, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm có thể trở thành hiện thực tại một số nhà hàng ở Hoa Kỳ vào đầu năm nay.
Giám đốc điều hành tại các công ty thịt nuôi trồng rất lạc quan rằng thịt nuôi trong các thùng thép khổng lồ có thể được đưa vào thực đơn trong vòng vài tháng sau khi một công ty có được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý nhà nước. Để thể hiện sự tự tin, một số người trong số họ đã đăng ký với các đầu bếp cao cấp như Francis Mallmann và José Andrés để giới thiệu các loại thịt trong các quán ăn cao cấp của họ.
Nhưng để đến đích cuối cùng là trên kệ siêu thị, thịt nuôi trồng phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn. Các công ty phải thu hút thêm nguồn tài trợ để tăng sản lượng, điều này sẽ cho phép họ cung cấp bít tết bò và ức gà “giả” với giá phải chăng hơn. Trên con đường phát triển, họ phải vượt qua cảm giác lo ngại của một số người tiêu dùng khi thử sử dụng thịt nuôi trong phòng thí nghiệm.
Thịt nuôi trồng được sản xuất bắt đầu từ một mẫu tế bào nhỏ lấy từ vật nuôi. Mẫu tế bào này được nuôi bằng chất dinh dưỡng trong các thùng thép khổng lồ gọi là lò phản ứng sinh học và được xử lý thành một sản phẩm như miếng thịt thật.
Cho đến nay, chỉ có một quốc gia là Singapore đã phê duyệt sản phẩm này để bán lẻ. Và Hoa Kỳ cũng đã sẵn sàng thực hiện điều đó. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết vào tháng 11 rằng một sản phẩm thịt được nuôi trồng - ức gà do UPSIDE Foods có trụ sở tại California nuôi - là an toàn cho con người.
Giám đốc điều hành UPSIDE hiện đang hy vọng sẽ đưa sản phẩm của mình đến các nhà hàng vào năm 2023 và đến các cửa hàng tạp hóa vào năm 2028.
GOOD Meat, một công ty thịt nuôi trồng có trụ sở tại California cũng đã nộp đơn xin cấp chứng nhận an toàn và đang chờ FDA xử lý. Hai đối thủ khác là Mosa Meat (Hà Lan) và Believer Meats (Israel) cũng cho biết là đang đàm phán với FDA.
Theo dữ liệu của Viện Thực phẩm tốt (GFI), cho đến nay, lĩnh vực thịt nuôi trồng đã huy động được gần 2 tỉ USD đầu tư trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tetrick cho biết chỉ riêng công ty ông là GOOD Meat sẽ cần đến hàng trăm triệu đô la Mỹ để xây dựng các lò phản ứng sinh học nhằm sản xuất thịt nuôi trồng ở quy mô lớn.
Các công ty thịt nuôi trồng dự định thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm này “xanh” hơn và đạo đức hơn so với vật nuôi thông thường, đồng thời cố gắng vượt qua ác cảm của một số người tiêu dùng đối với thịt nuôi trồng. Nhà sản xuất cho rằng, thịt nuôi trồng không liên quan đến giết mổ động vật, điều có thể giúp sản phẩm hấp dẫn những người tránh ăn thịt vì lý do đạo đức.
Một điểm thu hút khác là việc nuôi trồng thịt trong thùng thép thay vì trên cánh đồng có thể làm giảm tác động môi trường của vật nuôi, vốn chịu trách nhiệm cho 14,5% lượng khí thải nhà kính của thế giới thông qua hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, phá rừng, quản lý phân thải, theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO).
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Tâm lý môi trường phát hiện, 35% người ăn thịt và 55% người ăn chay cho biết không muốn thử thịt nuôi trồng vì cảm thấy “ghê sợ”. Một số người có thể cho rằng thịt nuôi trồng là “không tự nhiên” và có thái độ tiêu cực về loại thịt này trước khi ăn thử.
Nguồn: [Link nguồn]
Cục tẩy Radar S-10000 có kích thước 276 x 141 x 43 mm và nặng hơn 2,2 kg, khiến nó trở thành cục tẩy lớn nhất được bán trên thị trường.