Thịt chuột mang mầm bệnh: Ai quản lý?
Thịt chuột được bán khắp nơi nhưng hiện nay, thịt động vật có thể mang nhiều mầm bệnh này lại không được ngành chức năng kiểm soát do không nằm trong danh mục phải kiểm dịch.
Ở ĐBSCL, trong thực đơn của nhiều quán nhậu thường không thiếu món thịt chuột đồng. Theo đó, thịt chuột cũng được bày bán ở nhiều chợ.
Thu mua chuột tận Campuchia
Ông Tuấn, người bán chuột dưới chân cầu Cà Mau (TP Cà Mau), cho biết mỗi ngày ông bán hàng chục ký chuột đồng. Theo ông, số chuột này được thu gom từ các vùng lúa của huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời (Cà Mau) hoặc từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Thậm chí, những lúc hút hàng, nhiều người dân sống dọc tuyến biên giới Tây Nam phải sang tận Campuchia để tìm nguồn chuột về bán lại cho các chủ vựa ở địa phương.
Sau khi qua các công đoạn sơ chế như lột da, bỏ ruột, chặt chân và mõm, thịt chuột được phân phối khắp ĐBSCL và lên tận TPHCM. Những người sành ăn chuột, loại thịt này chế biến được nhiều món ngon như: ướp chao nướng, xào lăn, hấp bia, nấu chua với cơm mẻ, chiên giòn, quay lu…
“Chuột đồng đầu to, mõm ngắn, màu lông vàng mượt, lỗ tai nhỏ vừa sát với vành tai, khi thui có mùi thơm và dễ lột da, thịt trắng. Còn chuột sống trong đô thị thì đầu nhỏ, mõm dài, lông đen xù, lỗ tai to dựng đứng, rất khó lột da, thịt đỏ và có mùi tanh” - ông Tuấn tiết lộ.
Tại “chợ chuột” lớn nhất ĐBSCL thuộc ấp Bình Chánh, xã Bình Long, huyện Châu Phú - An Giang, ông Lê Văn Mạo (59 tuổi), một chủ vựa có gần 20 năm mua bán chuột, cho biết cả ấp này có hơn chục hộ chuyên thu mua chuột, sơ chế rồi đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Chỉ thuộc mức trung bình ở đây nhưng mỗi ngày, hộ ông Mạo cũng mua bán khoảng 1 tấn chuột sống.
Một điểm làm thịt chuột ở huyện Châu Phú - An Giang, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt chuột là vấn đề cần được quan tâm.
Giá chuột sống mua vào hiện khá cao so với trước đây, khoảng 26.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường. Cũng theo ông Mạo, sau khi sơ chế, thịt chuột sẽ được cho vào thùng nước đá rồi chở đến một điểm tập kết ở TP Long Xuyên. Ở đó, bạn hàng từ Hậu Giang, Đồng Tháp, TPHCM... đến mua lại.
Khó nhận biết chuột đồng
Theo một số người có hiểu biết về chuột, hiện rất khó phân biệt được chuột đồng với các loại chuột khác. Mấy năm qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nơi có khoảng cách địa lý giữa đô thị và nông thôn không lớn nên sau mùa thu hoạch lúa, chuột đồng di cư vào thành thị kiếm ăn là chuyện bình thường. Ông Trần Văn Quý, ở phường 9, TP Cà Mau, cho biết: “TP Cà Mau giáp ranh với vùng chuyên canh lúa của huyện Thới Bình - Cà Mau.
Chiều chiều, hàng trăm người tập trung đến khu vực này để bẫy chuột. Chỉ trong một đêm, có người bẫy được hàng trăm con. Không biết số chuột này sẽ được tiêu thụ như thế nào nhưng chắc chắn là có người mua về ăn”.
Chiều 20-11, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, cho biết cùng với các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang… tỉnh này cũng đã gửi gần 100 mẫu chuột đồng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để xét nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo ông Hiền, năm trước, Hội Động vật hoang dã của Mỹ đã lấy mẫu chuột đồng ở các huyện Tân Hồng và Cao Lãnh (Đồng Tháp) để xét nghiệm nhưng không phát hiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc kiểm soát thịt chuột đồng qua lại khu vực biên giới vì loài gặm nhấm này hiện không nằm trong danh mục động vật nguy hiểm, độc hại nên không có cơ sở để kiểm tra”.
Hà Nội: Nhiều người nhập viện vì bị chuột cắn Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, sốt do chuột cắn là bệnh hiếm gặp. Nếu không được điều trị kịp thời, người bị sốt do chuột cắn có thể mắc các biến chứng như viêm màng não, cơ tim, phổi và suy đa tạng, thậm chí tử vong. |