Thiếu điện, phải tăng cường mua từ Trung Quốc
Nếu không có giải pháp đẩy nhanh 47 dự án chậm tiến độ, trong tương lai miền Nam sẽ thiếu điện trầm trọng.
“Nếu khởi công một dự án điện vào cuối năm nay phải mất bốn năm mới xong, đó là chưa kể thi công chậm tiến độ… Nên giải pháp trước mắt là phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt tăng khả năng mua điện từ Lào và Trung Quốc…”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định như vậy tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm diễn ra sáng 17-7.
Sẽ thiếu điện nếu…
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết từ nay đến năm 2020 cơ bản đáp ứng nhu cầu điện. Tuy nhiên, từ năm 2021 và các năm tiếp theo xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ năm 2025.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với các tính toán trước đây là do tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, dự án nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thậm chí lùi sau năm 2030. Dự án ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025.
“Trường hợp dự án nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023. Tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn…”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Viết Long.
Bàn thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Vượng cho biết hiện 62 dự án điện có công suất trên 200 MW chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch. Dự án chậm nhiều nhất là một năm, còn lại ba-bốn năm.
Một phần nguyên nhân thiếu điện cũng do trước đây Chính phủ bảo lãnh vốn cho dự án điện, chỉ một năm nhà đầu tư có thể thu xếp xong vốn. Nhưng hiện nay Chính phủ không bảo lãnh cho các dự án điện khiến nhiều nhà đầu tư không thu xếp được vốn. Hơn nữa, hiện không có chế tài đối với các nhà đầu tư chậm triển khai dự án…
Để giải bài toán này, ông Vượng cho rằng ngoài triển khai chương trình tiết kiệm điện, mua điện từ Lào và Trung Quốc, cần đẩy nhanh tiến độ 47 dự án đang chậm tiến độ. Đối với các dự án còn vướng mắc nhỏ như nhiệt điện Vĩnh Tân, Thái Bình 2 cần kiến nghị Chính phủ gỡ vướng ngay.
“Về lâu dài, cần phải thay đổi cách làm sơ đồ các dự án trọng điểm trong tương lai. Đặc biệt, xây dựng cơ chế đặc thù đối với các dự án điện…”, ông Vượng nêu quan điểm.
Làm rõ trách nhiệm 47 dự án chậm
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thời gian qua các cơ quan trực thuộc Bộ đang bị động và chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn. Dẫn chứng dự án điện mặt trời, Bộ trưởng cho rằng mặc dù có khuyến nghị, báo cáo, thậm chí giao cho EVN trong kế hoạch phát triển điện mặt trời. Nhưng việc đôn đốc kiểm tra của các đơn vị để đảm bảo thực thi dường như không tới, dẫn đến vượt năng lực truyền tải điện hiện nay.
Bộ trưởng yêu cầu phải đảm bảo đồng nhất trong sự chỉ đạo của Chính phủ, coi điện, dầu khí là hạ tầng quan trọng của năng lượng và hạ tầng thiết yếu cơ bản của nền kinh tế. “Vì vậy, tôi yêu cầu đánh giá lại toàn diện hoạt động của Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm nhà nước về năng lượng ở tất cả các cấp độ…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo cần rà soát đánh giá lại toàn bộ dự án chậm tiến độ. Trong đó, cần làm rõ tính chất, tình trạng, hệ lụy của nó đến cân đối điện, an ninh năng lượng điện. Đặc biệt xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có liên quan.
Ví dụ, dự án điện Quảng Trạch, Long Phú, Cá Voi Xanh… chậm bao nhiêu, lý do chậm, khâu nào chịu trách nhiệm giải quyết… Trong đó, Thái Bình 2 phải có báo cáo riêng và phải xác định rõ trách nhiệm ở đâu, từng cơ quan để có chế tài nếu không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ.
“Tại sao Chính phủ chỉ đạo hai lần mà dự án nhiệt điện Thái Bình 2 không thực hiện, dẫn đến Bộ Công Thương không tổng hợp kịp để báo cáo Chính phủ trong khi Bộ Công Thương không thể thay thế Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đi thẩm định những vấn đề liên quan đến bổ sung vốn? Sau đó, phải có kiến nghị để đề xuất với Thủ tướng để giải quyết các dự án chậm này…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo.
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri đưa ra cảnh báo sau năm 2020 sẽ thiếu điện tại buổi công bố chi phí sản xuất kinh...