Thiếu điện - nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

Mùa khô chưa tới nhưng việc chuẩn bị cấp đủ điện cho nền kinh tế đang khiến doanh nghiệp đau đầu lo lắng. Dẫu ngành điện tuyên bố sẽ đáp ứng đủ, nhưng hiện tượng cắt điện dịp nắng nóng, cắt không báo trước hay tiền điện “nhảy múa” vẫn là nguy cơ ám ảnh doanh nghiệp.

Bốn kịch bản đối phó

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, vừa hoàn tất 4 phương án nhằm đảm bảo điện cho năm 2015 trên cơ sở tính toán cân bằng nhu cầu của nền kinh tế và dự báo tần suất nước về các hồ chứa.

Theo kịch bản đầu tiên được A0 xây dựng, điện thương phẩm trong năm tới sẽ tăng khoảng 11,5% trong khi tần suất nước về các hồ chứa ở mức 65% so với cùng kỳ. Với phương án này, các nguồn tuabin khí và nhiệt điện than miền Nam được huy động cao trong cả năm.

Cụ thể, các nhà máy điện chạy dầu sẽ phải nhập cuộc ngay từ tháng 4 với sản lượng thấp (khoảng 279 triệu kWh trong các tháng mùa khô) do hạn chế giới hạn truyền tải trên đường dây 500 kV.

Điều đáng lo nữa, chính là việc đợt ngừng cấp khí Cà Mau trong 14 ngày, ngừng cấp khí lô 06.1 trong 3 ngày và ngừng cấp khí Nam Côn Sơn 1 ngày để sửa chữa. Với thời hạn bảo dưỡng được báo trước này, ngành điện sẽ phải huy động bổ sung khoảng 153 triệu kWh nhiệt điện dầu.

Tính toán cũng cho thấy, với khu vực miền Bắc, do được bổ sung thêm nhiều tổ máy nhiệt điện than mới như Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2, Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Mông Dương 2 nên công suất dự phòng dư dả hơn. Dự phòng bỏ túi từ các nguồn điện này trong các tháng mùa khô tại miền Bắc lên tới 3,6 tỷ kWh.

Thiếu điện - nỗi ám ảnh của doanh nghiệp - 1

Cắt điện không báo trước luôn là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp. Ảnh: Như Ý

Với kịch bản 2, nếu kinh tế tốt hơn, tần suất nước về các hồ thủy điện chỉ đạt 75% so với cùng kỳ, nhu cầu điện thương phẩm sẽ tăng 11,5%. Điều này sẽ khiến sản lượng thủy điện huy động hụt tới 1,06 tỷ kWh điện trong mùa khô và giảm tới hơn 4,19 tỷ kWh trong cả năm.

Kịch bản thứ 3 được xây dựng, chỉ cần nhu cầu điện tăng, ngành điện sẽ phải lo bổ sung nguồn cấp điện tới hơn 1,04 tỷ kWh mùa khô và đạt mức hơn 2,16 tỷ kWh cho cả năm. Trong đó nhu cầu điện gia tăng của khu vực miền Nam cũng tăng hơn 515 triệu kWh trong mùa khô.

Kịch bản xấu nhất, ngành điện sẽ phải lo bổ sung các nguồn điện giá cao khác tới hơn 1,044 tỷ kWh vào mùa khô và hơn 2,164 tỷ kWh cả năm trong bối cảnh sản lượng thủy điện giảm hơn 1,06 tỷ kWh mùa khô.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Giám đốc A0, trường hợp kịch bản xấu nhất (phụ tải cao, nước về thấp), sẽ phải huy động từ các nhà máy nhiệt điện dầu 579 triệu kWh trong mùa khô và 747 triệu kWh trong cả năm. Điều này đồng nghĩa ngành điện sẽ phải chi thêm nhiều nghìn tỷ đồng để đảm bảo cấp điện cho cả nước theo các kịch bản xấu trên.

Cùng đó, việc truyền tải trên các đường dây 500 kV luôn ở mức cao trong cả năm. Việc phải liên tục truyền tải với công suất và sản lượng cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong vận hành.

Nỗi sợ hãi của doanh nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp sử dụng điện lớn như xi măng, thép cho biết: Dù ngành điện có làm việc trước về kế hoạch cấp điện trong mùa khô, nhưng thiếu điện luôn là nỗi lo thường trực. Thực tế, vẫn có trường hợp doanh nghiệp bị cắt điện không báo trước hoặc thời gian cắt dài hơn dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Điện Biên cho biết, trước các mùa khô, công ty đều phải làm việc với ngành điện. Với ngành đặc thù như xi măng, chỉ cần nhảy điện, hoặc mất điện trong vài phút là thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng. 

“Trong năm 2015 việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ ở mức thấp nhất do sản lượng điện dự phòng ở miền Bắc tương đối cao. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam”.

Đại diện A0 cho biết

Lãnh đạo một doanh nghiệp thép ở Hải Phòng thẳng thắn, chỉ cần một cú dừng điện đột ngột trong vài phút là cả hệ thống dừng hoạt động, thiệt hại tiền tỷ trong chớp mắt.

“Với các doanh nghiệp ngành thép, chúng tôi sợ thiếu điện hơn cả việc bị cắt điện. Nếu có thông báo trước, chúng tôi sẽ chủ động được việc sản xuất và không bị thiệt hại. Chẳng may, mất điện thì thật sự đứng tim”, vị này nói.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện tăng khoảng 10% trong năm tới, sẽ sản xuất, huy động từ các nguồn khoảng 68,1 tỷ kWh. Với tổng công suất nguồn điện đến hết năm 2014 là 31.240 MW; một số nhà máy điện hoàn thành năm 2015, công suất dự phòng của hệ thống điện toàn quốc ở mức 18% – 29%. Tuy nhiên nguồn điện này phân bổ không đều.

Theo một lãnh đạo Bộ Công Thương hiện Bộ này đã có văn bản chỉ đạo EVN có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất.

Bộ cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cân đối, đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao cho các nhà máy điện tuabin khí, ưu tiên sử dụng phát điện theo kế hoạch huy động của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia.

Cùng đó, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhận được yêu cầu cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện miền Bắc trong các tháng cao điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN