Thiết bị tiết kiệm điện nhộn nhịp: Cẩn thận bị lừa
Vào mùa cao điểm nắng nóng, cộng thêm giá điện tăng, trở thành nỗi lo lạm chi kinh tế của nhiều gia đình khiến nhiều người đang đổ xô, tìm mua các loại thiết bị tiết kiệm điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3%, áp dụng từ hôm 4/5. Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%).
Vào mùa cao điểm nắng nóng, cộng thêm giá điện tăng, trở thành nỗi lo lạm chi kinh tế của nhiều gia đình khiến nhiều người đang đổ xô, tìm mua các loại thiết bị tiết kiệm điện.
Nắm bắt điều này, trên nhiều kênh mua bán online lại nhộn nhịp các thương buôn chào bán và quảng cáo nhộn nhịp nhiều sản phẩm “giúp tiết kiệmđiện” tới 50%. Tuy nhiên, các thiết bị này liệu có ''thần kỳ'' như lời quảng bá hay không?
Chỉ cần gõ từ khóa về sản phẩm “Thiết bị tiết kiệm điện” trên kênh tìm kiếm của Google, thì trong vòng 0,24 giây sẽ cho ra khoảng 40.100.000 kết quả.
Trong khi đó dạo một vòng quanh các trang thương mại điện tử nổi tiếng, như: Tiki, Shopee, hoặc một vài địa chỉ website https://www.trituebachkhoa.net,https://dien0dong.com, https://taphoasi.vn .., không khó để người dùng có thể tìm thấy các thiết bị tiết kiệm điện đang được rao bán tràn lan với những lời quảng cáo “có cánh”.
Theo hình ảnh quảng cáo, các thiết bị trên đều có dạng khối hộp, kích thước tương đương chuột máy tính, có một hoặc hai đèn báo. Bên ngoài vỏ hộp ghi nội dung khá đơn giản: "Electric saving box",... Người bán cho biết chỉ cần cắm vào nguồn điện trong gia đình là đã có thể sử dụng thiết bị.
Mức giá bán đối với của các thiết bị tiết kiệm điện giao động từ khoảng vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng. Tất cả các thiết bị đều được giới thiệu có công dụng giúp kéo giảm từ 30 - 50% chỉ số điện tiêu thụ hàng tháng, nguồn gốc hoặc sản xuất theo công nghệ Mỹ, Đức, Hàn Quốc...
Để tăng độ tin cậy, một số thiết bị còn "nổ" sản phẩm đã được các cơ quan trực thuộc một số bộ ngành giám định chất lượng.
Chẳng hạn, trên trang trituebachkhoa.net giới thiệu “thiết bị tụ bù tiết kiệm điện và chống sét 4in1” có giá là 500 nghìn đồng/sản phẩm, rằng: " Tiết kiệm điện 30% - 40% công suất vô ích cho các thiết bị điện. Chống sét lan truyền, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các thiết bị điện trong gia đình". Sản phẩm này còn “tung hô” giúp “tăng tuổi thọ đồ dùng điện..."?
Trang “dien0dong.com” viết: “Thiết bị siêu tiết kiệm điện gia đình và doanh nghiệp. Được sử dụng hơn một trăm hai mươi quốc gia… nhiều nhất ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiết kiệm tới 43% tiền điện hàng tháng…”.
Để đánh vào tâm lý khách hàng, trang này còn ghi chú: “Tại thời điểm này sản phẩm còn trong kho. Tuy nhiên, sau khi công bố, việc còn hàng không được đảm bảo”. Cùng với đó là một vài lời khen được cho là từ những người đã sử dụng, trải nghiệm sản phẩm.
Thiết bị này được chào bán hơn 500 nghìn đồng, được giới thiệu tiết kiệm điện đến 43% ?
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Vân (35 tuổi, trú tại Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Số điện của gia đình tôi trong 2 tháng qua tăng vọt, cả hai vợ chồng cũng suốt ruột vì phải bớt thêm một khoản chi phí lo tiền điện. Sau đó tôi tìm kiếm trên mạng, thấy bài quảng cáo về một chiếc máy với giá hơn 500 nghìn đồng, giảm 40% tiền điện, dù có hơi nghi ngờ nhưng vẫn mua về dùng thử. Kết quả rất khó kiểm chứng vì không có gì đo đạc chứng minh và số công tơ điện những tháng này nhà tôi vẫn tăng đều”.
Đánh giá về bản chất vấn đề, một chuyên gia trong lĩnh vực điện khẳng định, không thể có một thiết bị tiết kiệm được 40 - 50% như quảng cáo. Các thiết bị chỉ giúp giảm khoảng 1 - 2% điện năng tiêu thụ đối với những sản phẩm từ 1-3 triệu đồng. Còn với những sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED.
Một thiết bị tiết kiệm điện được bán với giá hơn 100 nghìn đồng trên Tiki.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó EVN cũng đã đưa ra cảnh báo về việc quảng cáo sai sự thật của những thiết bị tiết kiệm điện. Các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Tất cả chỉ là chiêu trò lừa đảo của các gian thương nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Tiết kiệm điện chỉ có thể trực tiếp từ chính các đồ dùng thiết bị điện có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện và thói quen sử dụng tiết kiệm điện của mỗi gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng năm, thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6 là lúc loại đặc sản này tại Bắc Hà (Lào Cai) đồng loạt chín rộ, thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi...