Thị trường thép 3 giảm, 1 tăng

Thị trường thép vẫn đang vật vã, nỗ lực chòi đạp, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi 3 cái “giảm” cay nghiệt: Sản xuất giảm, tiêu thụ giảm và giá giảm.

Tồn 370 nghìn tấn

Cái giảm đầu tiên, phải nói là giảm sản xuất ở các nhà máy thép trong nước. Thống kê của Hiệp hội Thép VN cho thấy: Trong tháng 6 vừa qua, sản xuất thép xây dựng đạt 280.000 tấn - giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2012, các DN sản xuất thép cho ra lò gần 2,4 triệu tấn thép. Con số này cũng giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong lúc sản xuất giảm sút, mức tiêu thụ thép trên thị trường cũng bi đát không kém. Từ quý I - quý II/2012, con số doanh thu bán thép cũng không ngừng giảm dần đều. Thí dụ: Trong tháng 3, doanh thu đạt 521.000 tấn thép, sang tháng 4 con số trên chỉ còn 443.000 tấn; sang tháng 5, tiếp tục giảm xuống 352.000 tấn. Và, tháng 6 vừa qua, các DN chỉ bán được 290.000 tấn. Gộp 6 tháng đầu của năm 2012, doanh thu của ngành thép đạt gần 2,23 triệu tấn thép - giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011.

Song hành với 2 con số giảm sản xuất và giảm tiêu thụ trên thị trường, thì giá bán của thị trường thép cũng giảm rõ rệt. Hiện giá bán lẻ của loại thép xây dựng trên thị trường sụt giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Thay vì giá bán là 17,7 - 18,3 triệu đồng/tấn vào năm 2011, nay giá thép chỉ còn 17,3 - 18 triệu đồng/tấn vào thời điểm hiện nay. Trong khi 3 cái “giảm” trên đang hoành hành, đè nặng thị trường thép, thì có một cái... “tăng”, nhưng không khiến DN nào nở nổi nụ cười - đó là thép tồn kho tăng! Trước đây, Hiệp hội Thép VN dự kiến đưa ra mức tồn kho trong giới hạn cho phép là 250.000 tấn; tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng thép tồn kho tại các DN đã lên còn số kỷ lục 370.000 tấn (vượt mức cho phép 120.000 tấn).

Thị trường thép 3 giảm, 1 tăng - 1

Mặt hàng thép chất đầy kho bãi vì mức tiêu thụ giảm

Bao giờ mới giải được “hạn”?

Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Tiến Nghị - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN – cho rằng: Việc thị trường thép VN đang gặp phải 3 cái giảm ngang trái trên cũng không nằm ngoài hiện tượng suy thoái kinh tế toàn cầu. Trước đây, giá phôi, giá thép phế liệu nhập khẩu tăng, dẫn tới giá thép sản xuất trong nước tăng vọt. Nay, kinh tế toàn cầu suy giảm, mức tiêu thụ giảm nên kéo theo giá phôi, giá thép phế liệu nhập khẩu giảm từ 15 – 20USD/tấn, dẫn đến giá sản xuất trong nước giảm là điều dễ hiểu. Hiện tượng bất động sản đóng băng, các nhà xây dựng đình trệ các công trình, không mở thêm dự án mới, kéo theo mức tiêu thụ thép trên thị trường suy giảm. Riêng hiện tượng hàng tồn kho, có người lý giải rằng, do một số DN đầu cơ kinh doanh thép không đúng thời điểm, tích trữ thép cho nhiều, tưởng sẽ bán được, nào ngờ thị trường đóng băng, phải “ôm” hàng đã khiến cho số lượng thép tồn kho ngày một tăng. Chưa kể thời gian qua do quy hoạch kém, các địa phương đua nhau thành lập nhà máy sản xuất thép, dẫn tới hiện tượng thừa nhà máy, cung vượt cầu khiến thép sản xuất ra nhiều, bán được không bao nhiêu v.v...

Vấn đề đặt ra ở đây là cách gì, làm gì để khơi thông bế tắc thị trường thép đang lâm cảnh bết bát như hiện nay? Theo ông Nguyễn Hải - cán bộ Cty TNHH thương mại – dịch vụ kim khí TPHCM: Gần đây, một số DN đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm giảm bớt số lượng thép tồn kho. Đây là một lối thoát nhưng trên thực tế, xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại cũng không khả thi lắm, bởi lợi nhuận xuất khẩu hiện không đáng kể nên số DN xuất khẩu thép không đáng là bao. Được biết trong 5 tháng đầu năm 2012, các DN thép xuất khẩu được 730.000 tấn các loại, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 844 triệu USD. Mặc dù vậy, có ý kiến nhận định việc xuất khẩu không lời, nhưng cũng góp phần giải tỏa lượng thép tồn kho, giải quyết được việc làm cho công nhân, có đồng ra đồng vô duy trì hoạt động sản xuất, còn hơn nhà máy phải ngừng sản xuất hoàn toàn... Song, giải pháp trên chỉ là tạm thời. Các DN ngành thép VN mong mỏi có một giải pháp căn cơ, quy mô hơn. Mấu chốt của giải pháp ấy, không có gì khác là bằng cách nào đó hồi phục các công trình xây dựng, kích hoạt thị trường tiêu thụ trong nước ra khỏi tình trạng đóng băng hiện nay, thì may ra các DN ngành thép VN mới thoát khỏi “3 giảm” và “1 tăng” - điều không ai mong muốn - đang đè nặng hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyễn Hoàng Hưng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN