Thị trường Tết: Sức mua "rùa bò", giá tăng "phi mã"

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Các nhà sản xuất, các siêu thị... đều khẳng định đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ Tết. Nhưng như đã thành lệ, càng giáp Tết, giá cả các mặt hàng thực phẩm, đồ uống phục vụ Tết lại càng tăng chóng mặt.

Sức mua yếu

Tại các điểm kinh doanh, siêu thị, đại lý bánh kẹo… các mặt hàng phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 đã được trưng bày dồi dào, sẵn sàng cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân, tuy nhiên người mua không nhiều. Chị Năm, chủ cửa hàng bánh kẹo Thiên Phúc trên đường Hàm Nghi, quận 1, TP HCM cho biết: “Tôi đã nhập hàng về cách đây cả tháng nhưng lượng tiêu thụ năm nay chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Những mặt hàng khô như: Tôm, mực, bò… bán chạy hơn bánh kẹo, giỏ quà”. Tương tự, nhiều cửa hàng chuyên bán thực phẩm Tết ở quận 9 và Thủ Đức cũng ít khách đặt mua giò chả, bánh chưng, mứt… Chị Lan, nhân viên cửa hàng Phượng Hoàng trên đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức chia sẻ: “Tôi làm ở đây nhiều năm nhưng chưa năm nào khách ít như năm nay. Có chăng phải đến cận Tết mới đông người mua”.

Thị trường Tết: Sức mua "rùa bò", giá tăng "phi mã" - 1

Cứ Tết đến là các mặt hàng tiêu dùng lại đua nhau tăng giá

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hà Nội. Tới thời điểm này nhưng các siêu thị, cửa hàng, đại lý vẫn vắng bóng khách mua. Cô Linh, chủ đại lý bánh kẹo Diệu Linh trên đường Trần Cung than thở: “Năm ngoái tầm này người mua đã rầm rập, tôi phải thuê 4 nhân viên bán hàng vẫn không xuể. Năm nay tôi cũng thuê 4 nhân viên nhưng nhân viên hầu như chỉ đứng chơi vì ít khách lắm”. 

Thị trường Tết: Sức mua "rùa bò", giá tăng "phi mã" - 2

Người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc hàng Tết tăng giá phi mã

Tết thì phải tăng giá?

Sau Tết Dương lịch, giá hàng hóa tại Hà Nội đã bắt đầu nhích lên so với giai đoạn trước và đến thời điểm sát ngày 23 tháng Chạp, giá hàng hóa bắt đầu tăng phi mã. Khảo sát tại một số chợ như: Ngọc Hà, Mơ, Đồng Xuân, Hà Đông, Đồng Xa, Ngã Tư Sở (Hà Nội) và nhiều đại lý lương thực, thực phẩm, bánh kẹo tại các quận nội thành TP HCM, giá bán hàng hóa tăng mạnh trong những ngày gần đây, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết như: nấm hương, măng khô, gà ta… Nếu như đầu tháng, nấm hương từ mức 310.000 đồng/kg đã tăng lên mức 400.000 đồng và nay đang dao động ở mức 410.000 đồng/kg. Gà ta nguyên con từ mức 110.000 đồng/kg lên 125.000 đồng/kg, gà công nghiệp từ 45.000 - 48.0000 đồng lên 55.000 đồng/kg; măng khô từ 180.000 đồng lên 220.000 đồng/kg. 

"Khi hàng hóa ăm ắp, sức mua yếu mà giá vẫn tăng, là do yếu tố tâm lý và cơ hội kinh doanh. Người bán hàng thì có tâm lý và cơ hội buôn bán cả năm, chỉ trông vào ngày Tết. Còn người tiêu dùng thì có tâm lý chấp nhận hiện tượng “đến hẹn lại lên” của giá cả Tết. Để tránh mua giá cao, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen mua sắm Tết, những mặt hàng có thể mua sớm, không nên dồn vào những ngày cận Tết...”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Anh Bùi Văn Lễ, chủ một sạp rau cho biết, su hào tăng từ 500 đồng lên 2.000 đồng/củ, súp lơ loại ngon từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/cái, hành tây tăng 1.000 đồng/cân… “Sau ngày 23 Âm lịch kiểu gì cũng lên giá tiếp. Mỗi cân rau tăng thêm vài ngàn đồng có đáng gì đâu, ngày Tết mà”- anh Lễ cho biết. Tại các sạp bán hoa quả, các loại quả phổ thông như cam, dưa dấu… cũng đã tăng giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Cùng với hàng hóa, một số dịch vụ tại một số nơi cũng rục rịch tăng giá, như mỗi bát phở, cắt tóc, rửa xe… tăng từ 5.000 - 10.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoài, một khách mua tại chợ Hà Đông bức xúc: “Hàng hóa ê hề ra mà vẫn cứ tăng giá. Khách thắc mắc thì người bán bảo: Tết thì phải tăng giá. Cứ làm như Tết thì không thể không tăng giá vậy”. Theo bà Đông, chủ một sạp hàng đồ khô ở chợ Hà Đông, đúng là nguồn cung “thoải mái”, không lo thiếu hàng, nhưng “Tết đến ai chả tăng giá, cái gì cũng tăng. Cả năm tiểu thương chúng tôi chỉ có vụ làm ăn này thôi. Giả dụ tôi bán đồ khô mà không tăng giá, thì tiền đâu mà lo mua sắm những đồ khác đã tăng giá vù vù lên kia?”, bà Đông phân trần.

Tại thị trường TP HCM, giá hàng hóa đến thời điểm này không tăng cao như Hà Nội, hầu hết các mặt hàng đến thời điểm này mới chỉ tăng khoảng 5-10 %. Chị Lan, nhân viên cửa hàng Phượng Hoàng trên đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức cho hay, tới thời điểm này, đa phần mặt hàng vẫn giữ nguyên giá bán, có vài mặt hàng tăng giá cũng ở ngưỡng thấp. Đa phần người dân có xu hướng lựa chọn hàng nội vì giá mềm hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc - Đỗ Loan (Giao thông vận tải)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN