Thị trường Tết: Cây "độc", trái lạ đắt hàng
Năm nay, ngoài đào, quất, nhiều gia đình Hà Nội lựa chọn những loại cây cảnh lạ, gọn nhẹ và vừa tiền để chơi Tết. Sự góp mặt của những cây cảnh gọn nhẹ, mới lạ cũng khiến loại cây cảnh truyền thống giảm sức hấp dẫn, giá cả.
Săn cây... phong thủy
Xu hướng khá rõ nét của thị trường cây cảnh Tết năm nay là những loại cây quả, cây hoa gọn nhẹ và giá bình dân được nhiều người dân khu vực nội thành Hà Nội lựa chọn, nhất là những cây chơi được dài ngày hoặc mới lạ. Trong số đó có thể kể đến như cây hoa diệp minh châu, phát lộc, kim tiền, tiên ông, phật thủ, lan, thủy tiên, cây lai ghép (ngũ quả, xương rồng)… Anh Đặng Như Ngữ, quê ở Hưng Yên, chuyên bán các giỏ cây diệp minh châu trên đường Lê Đức Thọ cho biết: “Cây có xuất xứ từ Nhật, được trồng bằng xơ dừa và phân hữu cơ, các chuỗi hoa rủ xuống giống như những hạt ngọc, tỏa hương ban đêm, chơi được từ tháng 12 đến tháng 5. Năm trước mấy anh em trồng thử nghiệm hơn 300 gốc bán hết, nên năm nay trồng hơn 2.000 gốc, bán lẻ với giá từ 100.000 -200.000 đồng/cây, kèm cả chậu treo bằng nhựa nên bán chạy”.
Nét độc đáo của thị trường cây cảnh Tết ở các tỉnh phía Nam năm nay là nhiều cây thông thường cũng dùng làm cảnh chơi Tết, như: Cây dưa hấu, bắp cải, ớt, ngô; quả bưởi, dưa hấu in hình bản đồ, đồng tiền, thỏi vàng, hồ lô… |
Cũng mạnh dạn đầu tư lớn trồng cây phật thủ, anh Tùng - bán tại phố chùa Láng và có vườn trồng tại xã Yên Sở (Hoài Đức) cho biết, nhiều nhà khác cũng trồng cây này nhưng chủ yếu để lấy quả bán làm đồ thờ cúng, còn gia đình anh trồng để bán cả cây. “Năm trước nhà tôi thử nghiệm trồng được ít cây, bán hết veo, nên năm nay trồng hơn 500 cây, mỗi cây từ 5-9 quả. Từ ngày chủ nhật ngay sau Rằm tháng Chạp, khách đã đến vườn nườm nượp để chọn đặt cây, hỏi mua buôn. Nếu mua từ 10 cây trở lên giá từ 1,8 -2 triệu/cây, mua lẻ 2,5 - 4,5 triệu đồng/cây”. Cũng áp dụng “độc chiêu” ghép cây để tạo ra cây ngũ quả gồm quất, cam, chanh, bưởi, phật thủ và bán với mức giá từ vài trăm ngàn đến 20 triệu đồng, ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) cũng đã bán được hàng trăm cây cho khách trong xã và người mua buôn.
Quả phật thủ với đủ các yếu tố "Thịnh - suy - vy - thái" được nhiều người ưa chuộng nhất là dịp Tết Nguyên đán
Cùng với những cây cảnh mới, các cửa hàng hoa chậu có giá trên dưới 100.000 đồng/chậu cũng khá đắt khách. Anh Nam, chủ điểm bán trên phố Hoa Lư cho biết, mỗi ngày bán được gần 500 cây phát lộc, kim tiền, lan đuốc vàng, kim ngân lượng, vạn niên thanh… Tại trước cửa siêu thị Mê Linh Plaza Hà Đông, những chậu cây phát lộc, thủy tiên, tiên ông, xương rồng lai, hoa đá cúc to… với mức giá cao nhất chỉ hơn 100.000 đồng/cây cũng thu hút nhiều khách hàng. Chị Khánh, người bán hàng cho biết, điểm bán được khai trương từ đêm 20/1 và sở dĩ chỉ bán những loại này vì không cần vốn lớn, giá rẻ và dễ bán hơn so với những cây cảnh tiền triệu.
Tại vườn thực vật Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nhiều người xếp hàng để mua những cây bắp cải cảnh với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/cây. Những chiếc lá bắp cải ở giữa màu tím nhạt phơn phớt, được bọc bởi lớp lá xanh bên ngoài nhìn như một bông hoa tím - xanh lớn ngộ nghĩnh. “Giá rẻ, cây lại lạ mắt, ngộ nghĩnh nên tôi mua về trưng Tết, giờ chỉ cần mua một chậu cảnh nhỏ đặt vào nữa là đẹp”, bác Bằng, ở Đông Anh, Hà Nội vừa mua được cây bắp cải cảnh vui vẻ cho biết.
Quất ế, đào nở sớm
Từ sáng 20 tháng Chạp, trên nhiều tuyến đường Hà Nội bắt đầu xuất hiện hàng loạt điểm bán cây cảnh, mà xuống phố sớm nhất vẫn là các loại cây quất, đào, cam, quýt… Cây được chuyển từ các khắp huyện ngoại thành Hà Nội và từ Hưng Yên, Vĩnh Phúc về, không khí vận chuyển, trưng bày diễn ra tấp nập trên nhiều tuyến đường vành đai, khu đô thị mới, thị trấn. Trong số các loại cây, quất, đào vẫn chiếm phần lớn, nhưng nếu như những người trồng quất khá hài lòng với kết quả trồng bón thì nhiều người trồng đào lại thất vọng vì hoa nở sớm.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, người xã Dương Nội (Hoài Đức), thuê 3 sào vườn ở xã Đại Mỗ (Từ Liêm) để trồng đào ngậm ngùi: “Đào của gia đình cũng giống như hầu hết vườn đào khác ở khu Đại Mỗ đều xòe bông từ Rằm tháng Chạp, nên nhiều khả năng sẽ không được giá, thậm chí còn bị ế”. Tình trạng này cũng xảy ra tại khu vực Nhật Tân (quận Tây Hồ), một số cánh đồng tại huyện Mê Linh… khiến người trồng đào lo lắng. Tình thế này khiến nhiều nhà phải cắt cành để bán, tuy lời ít nhưng dễ bán hơn.
Về giá bán, tại hầu hết các điểm bán, cây có dáng đẹp, cao hơn 1,5m, nhiều nụ có mức giá phổ biến gần 1 triệu đến 3 triệu đồng/cây, nhưng khách mua chủ yếu là người của các cơ quan, đơn vị. Tại các khu vực như chợ Quảng Bá, đào thế cũng nhiều, mức giá bán và cho thuê phổ biến 10 triệu đến 15-20 triệu đồng/cây, song ít người hỏi mua, thuê. Ông Trần Đăng Quý, chủ của gần ba chục gốc đào thế bày bán trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) cho biết: “Giá bán, cho thuê không cao hơn năm trước, nhưng khách hỏi giá thưa thớt”.
So với đào, quất có vẻ dễ bán hơn nhưng ở thời điểm này, sức mua vẫn chậm. Chị Thủy ở Tứ Liên, Tây Hồ cho biết, chưa năm nào quất bán chậm như năm nay, chỉ còn chục ngày nữa là Tết mà số quất bán được trong vườn mới chỉ khoảng 10%, trong khi tầm này mọi năm, khoảng 70-80% vườn quất đã có chủ. “Mọi năm thời gian này, chúng tôi đã phải tất bật giao quất cho khách, nhưng năm nay gần Tết rồi mà vườn vẫn yên ắng như ngày thường. Thế nên dù thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều cây quất bị hỏng, nhưng giá quất vẫn không cao lên được, thậm chí còn rẻ hơn năm ngoái”. Khảo sát tại một số vườn quất và điểm bán quất ở Tứ Liên, Quảng Bá... chúng tôi thấy giá cây quất cao khoảng dưới 1,5m, tán tròn, lá xanh, quả to đẹp cũng chỉ được phát giá 500 - 600. 000 đồng/cây, trong khi năm ngoái những cây khá đẹp như thế này phải tầm 700 - 800.000 đồng/cây. “Kinh tế suy thoái, dân không mặn mà chơi cây kiểng, hiện bán chạy nhất vẫn là những cây quất có giá trên dưới 500. 000 đồng/cây. Thị trường ảm đạm nên chúng tôi cũng không dám nâng cao giá quất”, chị Thủy cho hay.