Thị trường sữa: Sau loạn giá đến loạn “hàng xách tay”

Sự kiện: Kinh Doanh

Thị trường sữa sau một thời gian doanh nghiệp (DN) được chủ động về giá hiện như thế nào, đặc biệt hiện nay đang là thời điểm cuối năm?

Đã ngăn được “loạn giá”

Theo quy định tại Thông tư 08/2017 của Bộ Công thương về đăng ký kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, từ 10/8, doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa sẽ được chủ động tăng giá dưới 5% mà không phải xin phép cơ quan quản lý. Ngay sau khi Thông tư này có hiệu lực, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về việc mặt hàng này sẽ “loạn giá”. Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã lên tiếng trấn an, để DN định giá sẽ bảo đảm sự minh bạch của thị trường và lợi ích người tiêu dùng. Quy định này cũng tôn trọng quyền tự định giá của DN và nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, so với các quy định trước đây, thay vì áp giá trần, quản lý giá bán buôn thì quy định mới sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ, vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng tiếp cận. Ngoài ra, DN phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường; đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng. "Các DN vẫn được quyền quyết định giá và cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về cả hai mặt là giá và chất lượng. Thông tư mới sẽ quản lý có hệ thống các mặt hàng sữa, từ giá bán lẻ đến chất lượng sản phẩm. Đây được xem là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn", ông An cho biết.

Thị trường sữa: Sau loạn giá đến loạn “hàng xách tay” - 1

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin khi mua sản phẩm. Ảnh minh họa: HP

Theo ghi nhận sau một thời gian áp dụng quy định mới, nhất là vào thời điểm cuối năm, giá sữa không có sự biến động lớn. Bà Nguyễn Minh Thúy, chủ một cửa hàng bán lẻ ở quận Đống Đa, cho biết giá các sản phẩm sữa vẫn ổn định. Khảo sát tại một số cửa hàng bán lẻ sữa khác trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), nhân viên ở những cửa hàng cho biết ngoài sản phẩm sữa Friso có điều chỉnh nhẹ về giá từ trước thì giá các mặt hàng sữa khác giao động ít.

Chị Hồ Thị Hiền, bà mẹ 2 con nhỏ ở Triều Khúc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn: "Với quy định này, các nhà phân phối cũng không thể nắm chắc các cơ sở bán lẻ có thực hiện việc báo cáo giá với ngành chức năng ở địa phương về việc điều chỉnh giá quá phạm vi cho phép hay không, việc trà trộn sữa lậu, sữa xách tay vào cơ quan quản lý sẽ quản lý như thế nào? Vì vậy, khi một hộp sữa đến tay mình có bị đội giá không, có chính hãng không?”.

Phân biệt thật - giả thế nào?

Ở một khía cạnh khác, thị trường sữa xách tay càng về dịp cuối năm càng sôi động, đặc biệt là những shop hàng bán online trên các trang mạng xã hội. Không ít bà mẹ cũng tin rằng “hàng xách tay” là hàng “xịn” nên tìm mọi cách mua cho được sữa ngoại “xách tay”. Tâm lý "hàng ngoại tốt hơn hàng nội" nên sữa “xách tay” có cơ hội có mặt ở không ít cửa hàng tạp hóa có bán kèm các sản phẩm sữa. Sữa bột ngoại giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần so với các dòng sữa nội nhưng phần lớn khách hàng vẫn thích mua sữa ngoại. Một số người tiêu dùng cho rằng “tiền nào của nấy”, sữa càng đắt tiền càng tốt mà không biết cần dùng loại sữa nào thì phù hợp với thể trạng của con cái mình để có hiệu quả tốt nhất.

Từ nhiều con phố cho đến ngõ, hẻm, hay đơn giản chỉ cần gõ vài ký tự tìm kiếm trên mạng Internet, thấy nhan nhản, công khai bán sữa “hàng xách tay” có xuất xứ Pháp, Đức, Nhật, Hàn… Liên hệ qua điện thoại với một địa chỉ bán sữa xách tay tại Hà Nội, chị H, chủ cửa hàng trấn an: “Cứ tin tưởng, lấy dùng thử, cứ uống được là được. Quan trọng là tin tưởng ở người bán. Cửa hàng này có mối ở bên Nhật nên lấy được hàng chuẩn… yên tâm”(?).

Theo tìm hiểu các hộp sữa ngoại (xách tay) hay nhập khẩu của cửa hàng chị H. đều không có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo. Còn nhớ, theo Nghị định 43 về nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm, đối với các sản phẩm nhập khẩu, trên bao bì đều bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt (nội dung tương ứng với nhãn gốc), đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị phân phối (nhập khẩu). Điều này, sản phẩm sữa cho trẻ em tại cửa hàng của chị H. hoàn toàn không hề có. “Đã là hàng xách tay, lấy đâu nhãn mác Việt”, chị H. nói.

Không ít trường hợp, các lực lượng chức năng đã “bóc trần” thủ đoạn làm giả hàng ngoại ngay từ trong nước để trà trộn bán cùng “hàng xách tay”. Tuy nhiên, tâm lý thích dùng sữa ngoại của nhiều bà mẹ khiến mặt hàng xách tay này vẫn có đất sống.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin dùng các sản phẩm được quảng cáo là “hàng xách tay” bởi sản phẩm không được kiểm chứng của cơ quan quản lý Nhà nước nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo đó, khi mua bất kỳ một sản phẩm nào, người tiêu dùng cần đề nghị nhà phân phối cho xem giấy phép của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm đó hoặc tự tra thông tin sản phẩm qua trang website chính thức của Cục An toàn thực phẩm để biết sản phẩm đang mua có được cấp phép không và có thực sự là hàng chính ngạch không.

Để hạn chế mua phải sữa không rõ xuất xứ trà trộn vào các cửa hàng, người tiêu dùng có thể yêu cầu cửa hàng xuất trình các giấy tờ liên quan đến giấy phép nhập khẩu và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Cách hiệu quả nhất để người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa mình mua là yêu cầu các cửa hàng xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ). Bởi đây là chứng từ rõ ràng nhất chứng minh đơn vị đó minh bạch được nguồn gốc đầu vào và đầu ra của sản phẩm họ bày bán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN