Thị trường ô tô Việt Nam: Sức mua không cao
Sức mua ô tô trong nước yếu do người tiêu dùng cân nhắc thời điểm mua xe và trông chờ chính sách mới về thuế
Tại khu vực Đông Nam Á, trong nhiều năm qua, thứ bậc tiêu thụ ô tô lớn nhất là Thái Lan, kế đến Indonesia, Malaysia thứ 3. Việt Nam xếp thứ 4 và thứ 5 là Philippines. Tuy nhiên, trong quý III, quý IV/2023 và quý I năm nay, Indonesia giành ngôi đầu, Malaysia vượt Thái Lan để đứng thứ 2 và Việt Nam rớt hạng.
Thị trường còn quá nhỏ
Theo Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA), doanh số ở thị trường nước này tăng 5% trong quý I vừa qua so với cùng kỳ năm 2023, với 202.245 xe. Trong cả năm 2023, doanh số toàn thị trường này đạt mức kỷ lục với 799.731 xe bán ra.
Lượng tiêu thụ ô tô ở Malaysia tăng mạnh bởi một phần do chính sách miễn thuế xe sản xuất trong nước. Các thương hiệu ô tô nội địa của Malaysia như Perodua và Proton được hưởng lợi lớn, với thị phần chiếm 60%.
Mặt khác, ô tô điện cũng được chào bán tại thị trường này với nhiều mẫu mới với mức giá dễ mua cũng giúp tăng doanh số ô tô. Ông Triệu Khắc Thiệp, Giám đốc Chợ Tốt Xe, xác nhận ngoài việc được miễn thuế, giá bán ô tô của 2 thương hiệu này khá rẻ, chỉ trên dưới 200 triệu đồng/xe, nên thị trường ô tô ở Malaysia rất sôi động.
Tại thị trường Thái Lan, theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Indonesia (Gaikindo), lượng tiêu thụ ô tô cũng giảm 25% trong quý I vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 6-2023, doanh số ô tô hằng tháng nước này giảm so với cùng kỳ năm trước do mức nợ xấu tăng và tiêu dùng trì trệ. Thị trường ô tô ở xứ triệu voi còn giảm sút thê thảm hơn nếu không nhờ sự tăng trưởng từ ô tô điện.
Indonesia cho dù dẫn đầu khu vực nhưng doanh số ôtô trong quý I vừa qua cũng giảm 24% do lãi suất ngân hàng tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc việc mua sắm. Trong năm 2023, doanh số bán ra chỉ hơn 1 triệu chiếc, giảm 4% so với năm 2022.
Tại Việt Nam, hết quý I/2024, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các hãng nhập khẩu, doanh số bán ra đạt 58.165 xe, giảm 18%. Trong khi đó, thị trường ô tô tại Philippines tăng trưởng 13% đã vượt qua Việt Nam.
Số liệu mới nhất vừa được Hiệp hội Ô tô ASEAN (AAF) cập nhật cho thấy kết thúc quý I/2024, tổng doanh số bán ô tô của 7 thành viên thuộc AAF, gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Myanmar và Việt Nam chỉ đạt 759.905 xe các loại, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Indonesia tiếp tục là thị trường ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á với doanh số đạt 215.069 xe, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Malaysia vươn lên vị trí thứ 2 Đông Nam Á, với 202.245 xe. Đứng thứ 3 là Thái Lan tiêu thụ được 163.400 xe, Philippines ở vị trí thứ 4 với 109.606 xe bán ra, Việt Nam xếp sau với 58.165 xe được bán ra.
Ông Châu Thanh Tùng, chủ một đại lý ô tô ở TP Thủ Đức, TP HCM, cho biết nhìn vào các nước trong khu vực, mỗi năm họ tiêu thụ số lượng ô tô rất lớn, gấp nhiều lần so Việt Nam. Nếu tính cơ học về dân số thì Việt Nam có dân số tương đương với Philippines, còn so với Malaysia chỉ có khoảng 34 triệu dân, Thái Lan khoảng 60 triệu.
Cũng theo ông Tùng, sức mua ô tô trong nước yếu thì nay càng yếu hơn do nhiều người tiêu dùng cân nhắc thời gian mua xe, đợi nhiều hãng xe đưa ra các mẫu xe điện mới để có thêm lựa chọn.
Đại lý ô tô trong nước ngày càng vắng khách tham quan, mua sắm
Cần chính sách ưu đãi thuế, phí
Theo đại diện VAMA, sức mua ô tô trong nước giảm là do lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, thị trường bất động sản chưa phục hồi...
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng khá lớn đến sức tiêu thụ ô tô trong nước là người tiêu dùng đang "nghe ngóng" về việc giảm phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước sắp tới. Nếu được giảm mức phí này sẽ giúp cho thị trường ô tô trong nước khởi sắc hơn.
Nhận định về mức tiêu thụ ô tô ở các nước trong khu vực gấp nhiều lần so với Việt Nam, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng nguyên nhân là do đường sá ở các nước tốt hơn Việt Nam, giá xe bán ra rẻ hơn (giá xe của Malaysia chỉ bằng 1/2 so với Việt Nam), thuế, phí, giá xăng thấp hơn.
Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi hơn để kích cầu thị trường ô tô. Ông Đồng cũng dẫn chứng chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ô tô lắp ráp trong nước cần phải áp dụng dài hạn trong nhiều năm, không nên áp dụng chỉ trong 6 tháng.
Theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, thị trường ô tô sụt giảm còn có nguyên nhân là do người dân tích trữ tài sản qua việc đầu tư vào vàng). Sự biến động của vàng làm cho mối quan tâm của người dân chuyển hướng từ các tài sản mang tính tiêu sản như ô tô sang tài sản có thể lướt sóng sinh lời nhanh như vàng.
"Các quốc gia trong khu vực không bị ảnh hưởng bởi giá vàng; ngoài ra Indonesia, Malaysia, Philippines đều có mức tăng trưởng GDP cao vượt kỳ vọng vào khoảng 5.11% - 5.7%.
Tất cả sự tăng trưởng đều xuất phát từ hoạt động kinh tế trong nước, cụ thể là tăng trưởng trong chi tiêu hộ gia đình. Việt Nam có tăng trưởng nhưng nhờ vào xuất khẩu là chủ yếu chứ chi tiêu hộ gia đình chưa mạnh" - ThS Trần Anh Tùng phân tích.
Rào cản thuế tiêu thụ đặc biệt
ThS Trần Anh Tùng phân tích xét riêng về thuế, thì những nước có hạ tầng giao thông chưa phát triển như Việt Nam hoặc Lào mới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt khá cao đối với ô tô. Những nước khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines có cơ sở hạ tầng đường bộ khá tốt, không hạn chế lưu lượng ô tô nên danh mục ô tô không có trong cấu phần thuế tiêu thụ đặc biệt ở các nước này.
Mảnh nhựa này nằm ở trên nóc ô tô, nhiều người không hề biết tác dụng.
Nguồn: [Link nguồn]