Thị trường nông sản tết khởi động chậm

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng sức mua các sản phẩm phục vụ ngày tết vẫn chậm.

Tại vùng nguyên liệu các loại rau, heo, gà, thủy sản… tại các tỉnh lân cận, giá thu mua thấp, có loại nông dân đang phải bán dưới giá thành.

Chợ ế, giá vẫn tăng

Sáng 7/1, tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP.HCM), lượng tiểu thương các chợ lẻ về lấy hàng nhưng còn chần chừ đợi giảm giá khá nhiều. Thống kê từ Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Bình Điền, lượng hàng đổ về chợ trong tuần đầu tháng 1 chỉ nhỉnh hơn ngày thường... 1%, trong đó, nhiều mặt hàng đáng lẽ phải có lượng tăng trong những ngày cận tết thì lại giảm khá sâu như các mặt hàng thủy hải sản khô, thịt gia súc, gia cầm…

Thị trường nông sản tết khởi động chậm - 1

Dù chợ ế, giá thực phẩm tết tại nhiều chợ vẫn tăng

Về giá cả, đại diện chợ Bình Điền cũng cho biết, trừ các mặt rau củ quả, thủy hải sản có giá bán ổn định, một số loại thịt lợn tăng từ 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Các mặt hàng còn lại do sức mua chưa mạnh, nguồn cung dồi dào nên tiểu thương vẫn đang giữ ở mức giá ổn định.

Tại chợ đầu mối Tân Xuân (quận Hóc Môn, TP.HCM), nhiều tiểu thương “la ó” vì hàng bán khá chậm, thậm chí, nhiều sạp tồn hàng khá nhiều. Chị Lan, chủ một sạp rau củ tại chợ Tân Xuân cho biết, dù đã cận kề Tết Nguyên đán nhưng lượng mua hàng vẫn rất ì ạch. “Sáng nay, sạp tui còn ế gần 500kg rau củ các loại, chưa biết phải tính thế nào. Vì có nhiều mặt hàng đã ế từ các ngày trước tồn lại” - chị Xuân than thở.

Mặc dù vậy ế khách, giá nhiều loại thực phẩm tại các chợ lẻ vẫn đang tăng từng ngày. Theo đó, giá thịt heo đã tăng lên từ 5.000 – 7.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá thịt heo ba rọi tăng từ 80.000 đồng/kg lên 85.000 – 90.000 đồng/kg, sườn non tăng từ 115.000 - 120.000 đồng/kg tăng lên mức 125.000 – 130.000 đồng/kg. Giá gà ta, gà công nghiệp cũng tăng thêm 8.000 – 10.000 đồng/kg, dao động ở mức 140.000 – 145.000 đồng/kg đối với gà ta và 90.000 đồng/kg đối với gà công nghiệp. Các loại rau, củ, quả cũng đã tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy loại.

Giá tại nguồn vẫn giảm

Khác với các chợ lẻ, giá các loại nông sản, thực phẩm tại nguồn các tỉnh xung quanh TP.HCM vẫn đang giậm chân tại chỗ, nhiều loại nông dân còn phải bán dưới giá thành như gà công nghiệp, trứng gà…

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, dù đã cận tết nhưng ở làng nuôi heo Đồng Nai, không khí vẫn rất trầm lắng, số xe về chở hàng vẫn không tăng. Ngược lại, lượng “ăn” hàng của các chợ đầu mối tại TP.HCM như chợ Tân Xuân, chợ Bình Điền đều giảm mạnh so với những tháng trước. Cụ thể, lượng heo tiêu thụ tại chợ Tân Xuân đạt 5.100 con/ngày, giảm gần 1.000 con/ngày, còn chợ Bình Điền cũng chỉ tiêu thụ khoảng 2.400 con/ngày.

Hiện tại, giá heo hơi vẫn dao động ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg. Mặc dù với mức giá này, nông dân đã có lãi từ 3.000 – 5.000 đồng/kg nhưng vẫn không có gì thay đổi so với ngày thường. “Theo tình hình thị trường hiện nay, giá heo hơi có thể tăng giảm 10%. Nông dân ở đây cũng không mong giá tăng nữa, vì nếu giá tăng cao, lượng heo nhập khẩu về nhiều, heo trong nước sẽ khó cạnh tranh” - ông Đoán chia sẻ.

Khác với mặt hàng thịt heo, các loại gà công nghiệp, gà ta, vịt… nông dân đang phải bán dưới giá thành rất sâu. Cụ thể, giá gà màu (gà tam hoàng) đang có giá 32.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg so với mức giá thành 38.000 - 40.000 đồng/kg. Giá vịt cũng thấp hơn giá thành từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, đang được thương lái thu mua với giá 37.000 – 38.000 đồng/kg.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Ngọc- chủ trại 200.000 gà thịt tại Bình Dương lo lắng: “Cả năm nay giá cả bèo bọt, giờ chỉ mong dịp tết để nông dân gỡ gạc mà đến giờ vẫn chưa có gì sáng sủa”.

Giá thực phẩm ở Hà Nội bắt đầu tăng

Khác với các địa phương khác, giá nhiều loại thực thẩm, rau xanh ở nhiều chợ đầu mối cũng như bán lẻ ở Hà Nội hiện đã bắt đầu tăng. Tăng rõ nhất là giá tôm nguyên liệu, thời điểm này đã tăng khoảng 7.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg. Các mặt hàng, như: Mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, các loại hạt điều, hạt sen… đã tăng thêm từ 10-30 ngàn/kg. Nhiều mặt hàng khác, như: Đậu xanh, đậu phộng, bột mì, mì tôm ký, miến... cũng tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định, dù giá cả nhích tăng nhưng sẽ không tăng quá mạnh vào dịp tết, giá một số mặt hàng trong siêu thị chỉ tăng từ 5-10% so với năm ngoái. Nguyên nhân do hàng hóa phục vụ thị trường Tết Giáp Ngọ dồi dào, phong phú, cung bảo đảm cầu.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo CPI của Hà Nội tháng 1 sẽ tăng khá mạnh, khoảng 1,1% do đây là thời điểm mua sắm tết. Thời điểm trước Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng các loại gạo (đặc biệt là gạo ngon, gạo nếp); thịt lợn, bò đều tăng lên nên giá cũng sẽ tăng lên khoảng từ 5- 10%. Riêng các mặt hàng rau nhu cầu cũng tăng mạnh, nên giá mặt hàng này cũng sẽ tăng lên 10 - 15%. “Hà Nội ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau tết trị giá khoảng trên 6.000 tỷ đồng.

Mai Hương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuận Hải (Dân Việt)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN