DANH MỤC
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 2 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD; xuất siêu 25,83 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong 11 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Trong 11 tháng năm 2023, nước ta đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 3
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 11 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Về kinh ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, số liệu tính chung 11 tháng năm 2023.

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu (xuất khẩu giảm 5,9%, nhập khẩu giảm 10,7%) nên cán cân thương mại của Việt Nam trong 11 tháng tiếp tục xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 4 Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với đà này, các chuyên gia ước tính, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Đồng thời, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Cụ thể, theo số liệu được công bố ngày 22/12 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 648 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm ở mức 633 USD/tấn.

Trong khi đó, ở Thái Lan, giá xuất khẩu gạo 5% tấm ở mức 648 USD/tấn, loại 25% tấm là 584 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở Pakistan đang ở mức 593 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm ở mức 513 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao chưa từng thấy đã khiến giá gạo bán lẻ trong nước cũng tăng từ 27-30%. Cụ thể, gạo Đài Thơm đang ở mức 22 nghìn đồng/kg, tăng 3-5 nghìn đồng/kg so với năm trước; gạo bắc hương có giá 19 nghìn đồng/kg, tăng 3-4 nghìn đồng/kg; gạo làm bún, phở, bánh tăng lên 17 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg…
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 5
Giá gạo tăng cao đã khiến một loạt sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở, bánh cuốn, bánh phở đều tăng giá. Một số quán ăn tại Hà Nội và TP.HCM đã tiến hành tăng giá suất ăn từ 2-5 nghìn đồng/suất.

Nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao theo các chuyên gia là do nhu cầu thị trường lớn và chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng cao.

Giá gạo trong nước bắt đầu tăng kể từ ngày 22/07/2023, Ấn Độ - Quốc gia chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu đã thông báo cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát. Dự kiến, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ được gỡ trong tháng 10/2023 nhưng đến nay vẫn chưa có điều chỉnh và có thể kéo dài đến hết tháng 2/2024. Vì vậy, thế giới vẫn hụt 40% nguồn cung từ nước này.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia đua nhau gom mua lượng gạo lớn để tăng dự trữ khiến nguồn cung mặt hàng này chao đảo, giá gạo tăng phi mã. Trong bối cảnh đó, giá lúa gạo nội địa cũng như giá xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, liên tục vượt qua các kỷ lục trước đó.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 6 Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tính đến tháng 10/2023, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD – mức kỷ lục lịch sử. Trong đó, 95% sầu riêng của nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cũng đang hút khách tại Mỹ và Canada khi sức mua của 2 thị trường này đã tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, giá sầu riêng Ri6 tại vườn đang ở mức 110-127 nghìn đồng/kg, sầu riêng Thái ở mức 130-145 nghìn đồng/kg. Đây được coi là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Vào tháng 9, ở Tây Nguyên - thủ phủ sầu riêng lớn nhất cả nước, bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán tăng vọt. Tại Đắk Lắk, thời điểm đó năm ngoái sầu Thái Dona giá chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, năm nay có giá 80.000-90.000 đồng/kg thu mua tại vườn.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 7
Ông Lê Văn Toản ở Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, gia đình trồng 6ha sầu riêng cả sầu Dona và sầu Ri6, sản lượng năm nay ước đạt trên 100 tấn. Các thương lái đã đặt cọc bao mua cả vườn, sầu chín họ tự vào cắt.

“Năm nay giá sầu cao hơn năm ngoái rất nhiều. Tôi chốt bán sầu Dona giá 73.000 đồng/kg, Ri6 giá 50.000 đồng/kg mua xô tại vườn. Nhẩm tính vụ này tôi thu hơn 6 tỷ đồng”, ông nói. Sau hơn 10 năm trồng sầu riêng, ông cho biết đây là năm đầu tiên mà loại cây này giúp gia đình ông trúng đậm nhất.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 8 Vào những tháng cuối năm, giá tôm hùm bông bất ngờ xuống thấp chưa từng có, rẻ hơn cả tôm hùm xanh.

Anh Lê Nhật Tuấn, trú tại Cam Ranh (Khánh Hoà) cho biết, chưa bao giờ tôm hùm bông lại rớt giá thấp hơn cả tôm hùm xanh như hiện tại. Khoảng 3 tháng gần đây, mặt hàng tôm hùm bông giảm giá mạnh, mỗi kg đang được mua với giá chỉ 1 triệu đồng, trong khi tôm hùm xanh là 1,6 triệu đồng.

Theo anh Tuấn, gia đình anh nuôi 10 lồng tôm hùm bông. Đợt đầu năm, giá tôm hùm bông được thương lái mua từ 1,6-2,1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại họ chỉ mua xô với số lượng ít để phục vụ nhu cầu trong nước.

Anh Tuấn cho biết, trước đây, tôm hùm bông nuôi chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây Trung Quốc ngừng thu mua tôm hùm bông, chỉ những xe hàng tôm hùm xanh mới bán được.

Bỏ ra số tiền hơn 1 tỷ đồng để mua giống và tiền thức ăn để nuôi 10 lồng tôm hùm bông trong suốt hơn 1 năm nhưng anh Tuấn vẫn chưa bán được, tôm vẫn nằm im dưới biển chờ thương lái.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 9
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hoà, hiện nay, sản lượng tôm hùm bông còn tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được ước lượng khoảng 150 tấn (kích cỡ từ 0,7 – 1kg/con), tập trung chủ yếu tại huyện Vạn Ninh (135 tấn) và thành phố Cam Ranh (15 tấn).

Tôm hùm bông loại 1 (kích cỡ từ 1kg/con trở lên) hiện đang được thu mua với giá từ 1,25 -1,35 triệu đồng/1kg; tôm hùm bông loại 2, loại 3 có giá thu mua khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/1kg.

Theo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), từ nay đến cuối năm, toàn huyện có khoảng 400 tấn tôm thương phẩm (0,7-1kg/con) cần tiêu thụ. Tuy nhiên, phần lớn trong số này hiện đều chưa có đầu ra.

Để kịp thời hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ tôm hùm bông trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ tôm hùm tỉnh Khánh Hòa.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 10 Ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thông báo tăng giá điện bình quân thêm 4,5%, tương đương 86,4 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là lần thứ hai giá điện tăng trong năm nay, sau lần tăng đầu tháng 5 với mức tăng 3%.

Theo tính toán của EVN, sau khi giá điện được điều chỉnh, mỗi tháng đối với khách hàng sử dụng bậc 1 (0 - 50 kWh), tiền điện tăng thêm 3.900 đồng; bậc 2 (51 - 100 kWh) tăng 7.900 đồng; bậc 3 (101 - 200 kWh) tăng 17.200 đồng; bậc 4 (201 - 300 kWh) tăng 28.900 đồng; bậc 5 (301 - 400 kWh) tăng 42.000 đồng và bậc 6 (từ 401 kWh trở lên) tăng thêm 55.600 đồng.

Dù các hộ nghèo không bị ảnh hưởng lớn nhưng hộ trung bình, thu nhập cao và đặc biệt doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh phải trả tiền điện cao hơn đáng kể.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 11
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, khẳng định chi phí sản xuất, tiêu dùng chắc chắn sẽ bị tác động nhất định do giá điện tác động đến mọi mặt hàng, dịch vụ, song mức độ ảnh hưởng không lớn. Ông phân tích với mức tăng 4,5% của giá điện bình quân, đẩy chi phí sản xuất tăng đâu đó chưa tới 0,2% trong tổng chi cho sử dụng điện. Mức tăng này là không đáng kể để có thể ảnh hưởng đến giá cả.

Dù vậy, ông Thịnh lưu ý phải kiểm soát tốt giá cả nhằm tránh tình trạng "tát giá theo điện". Giá hàng hóa dịp cuối năm thường tăng do chuẩn bị Tết Nguyên đán, thường DN tích trữ hàng hóa để sản xuất. Nếu không kiểm soát chặt, có thể diễn ra tình trạng lợi dụng điện tăng để tăng giá hàng hóa, dẫn tới giá chồng giá, tăng chồng tăng.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 12 Tại thời điểm tuần đầu tháng 12/2023, giá heo hơi trung bình cả nước là 48 nghìn đồng/kg, có nơi giảm còn 46.000 đồng/kg - là mức giá thấp nhất trong năm 2023 và cũng là mức giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

"Trong khi, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi dao động từ 45-52 nghìn đồng/kg, với mức giá này, mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ", Cục Chăn nuôi nhận định.

Ông Nguyễn Anh T., hộ chăn nuôi lợn tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), cho hay, trại của ông hiện có hơn 200 con lợn thịt đã đạt 1,6 tạ/con nhưng gia đình chưa thể bán vì giá đang thấp quá, chưa tới 47.000 đồng/kg.

“Dù giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiều, song giá lợn hơi còn giảm sâu hơn. Thời điểm này, nếu xuất bán trung bình chúng tôi lỗ 2 giá. Hy vọng thời gian tới thời tiết lạnh hơn và cận ngày lễ Tết giá lợn hơi sẽ tốt hơn” – ông T. chia sẻ.
 
Thị trường năm 2023: Giá gạo tăng như vũ bão, sầu riêng trở thành cây tỷ đô - 13


Lý giải nguyên nhân giá heo hơi lao dốc, Cục Chăn nuôi cho rằng sức mua thực phẩm giảm, người dân thắt chặt chi tiêu khi lạm phát tăng. Nhiều nhà máy không có đơn hàng sản xuất nên sức tiêu thụ thực phẩm tại các khu công nghiệp lao dốc, đẩy giá heo đi xuống.

Trong khi đó, nguồn cung thịt trong nước tăng do các doanh nghiệp, trang trại duy trì số lượng nuôi ở mức cao. Tổng đàn heo cả nước năm nay khoảng 30,3 triệu con, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.

Ngoài ra, tâm lý người chăn nuôi bị ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, lợn chưa đủ trọng lượng họ đã xuất bán khiến lợn xuất chuồng bị thương lái ép giá.

Tiếp nữa, lượng thịt nhập khẩu tăng nửa cuối năm 2023. Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy, 11 tháng qua Việt Nam đã nhập gần 102.000 tấn thịt heo và 104.500 tấn sản phẩm từ thịt heo, tăng hơn 85% cùng kỳ năm ngoái.

Cục Chăn nuôi cũng cho biết, hiện giá heo hơi xuất chuồng tại một số nước (Trung Quốc, Thái Lan, Brazil...) đang thấp hơn 30% hoặc bằng Việt Nam nên họ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn tới cung vượt cầu, giá giảm mạnh.
 
 

Bài viết: Hồng Cảnh - Nguyễn Thơm

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Chủ Nhật, ngày 31/12/2023 05:50 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Thơm - Hồng Cảnh ([Tên nguồn])