Thị trường hàng Tết: "Vạn người bán, lác đác người mua"
Những ngày cận Tết, hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại đã “tung” ra nhiều chương trình khuyến mãi nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Thông thường, cận Tết là thời điểm bùng nổ mua sắm của người tiêu dùng. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã tích cực đẩy hàng ra thị trường kèm nhiều khuyến mại khoảng 1 tháng trước Tết nhằm gia tăng tốc độ tiêu thụ. Thế nhưng, dạo quanh các cửa hàng, trung tâm thương mại thì không ít tình trạng “vắng tanh như chùa Bà Đanh”.
Tình trạng "đi xem" đông hơn đi mua
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn là địa điểm thu hút người tiêu dùng do bảo đảm về nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa bình ổn đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mại thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Thế nhưng, dạo quanh một vòng siêu thị những ngày cận Tết Nguyên Đán 2023, cũng chỉ có rất ít người, dù thời điểm ghi nhận là giờ cao điểm.
Chị Trần Kim Thu, 26 tuổi quê tại Cao Bằng là nhân viên tại siêu thị Winmart cơ sở Võ Thị Sáu (Hà Nội) được 3 năm. Chị cho biết siêu thị đã triển khai các chương trình khuyến mại phục vụ Tết cách đây 3-4 tuần cho người tiêu dùng mua sắm sớm, lượng hàng nhập kho năm nay cũng nhiều hơn nhưng tình trạng khách “đi xem" đông hơn là khách mua.
“Tầm này năm ngoái, lượng khách trong ngày rất đông, có thể phải chờ tới 15-20 phút mới được thanh toán. Còn năm nay, lượng khách chỉ cao hơn ngày thường, đôi khi có thể thanh toán luôn không cần chờ” chị nói.
Trung tâm thương mại Vincom giờ cao điểm nhưng hầu như không có người qua lại.
Trung tâm thương mại Vincom lúc 20h, là giờ cao điểm nhưng tại các cửa hàng mỹ phẩm hầu như không có người qua lại. “Hắt hiu trên mọi mặt trận" là lời nhận xét của chị Ngọc Quyên là nhân viên bán hàng thương hiệu Kiehl’s trong trung tâm. Dù cận Tết nhưng nhu cầu mua mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da của chị em không cao, đa số khách sẽ mua son, các sản phẩm khác lượng bán ra rất ít.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, 30 tuổi là quản lý cửa hàng tại Canifa chia sẻ, thời điểm này, lượng khách bắt đầu đông lên. Thế nhưng doanh thu thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu. Tình trạng khách hàng đến cửa hàng thử đồ, thử size sau đó lên các sàn thương mại điện tử đặt hàng xảy ra nhiều vì ở đó có nhiều khuyến mãi hơn. Anh cho biết thêm sau 2 năm đại dịch, khách hàng đã quen với việc mua sắm trực tuyến nên lượng khách đến cửa hàng giảm đi nhiều, doanh thu trên các sàn thì cao hơn hẳn so với trước dịch.
Bán hàng với tâm thế "Lỗ cũng phải chịu"
Chị Nguyễn Minh Châu, 25 tuổi là một chủ shop kinh doanh online các mặt hàng Tết như các giỏ quà, bánh kẹo và rượu. Chị Châu cho biết đã duy trì ngành hàng này được 5 năm, nhưng đây là năm đầu tiên sát Tết mà vẫn còn đến 50% lượng hàng tồn.
“Mọi năm, những ngày này cơ sở của mình có thể đi đến cả nghìn giỏ quà, nhưng năm nay chỉ mong đi được trăm giỏ là mừng” chị nói. Những năm trước đó, chị có khoảng 30 nhân viên và hàng hoá chia ra 4 tầng để phục vụ công suất, nhưng năm nay chỉ vỏn vẹn 3 nhân viên với 1 tầng hàng. Chị cũng như các nhân viên của mình đứng ngồi không yên với lượng hàng hoá trên kệ.
“Tầm này thì lỗ cũng phải chịu, còn hơn hàng để đó mà không có dấu hiệu nhúc nhích", chị Châu nói.
Mặc dù đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại sâu như mua giỏ nhỏ tặng hộp bánh, mua giỏ to tặng chai rượu nhưng số lượng hàng đi nhà chị không nhiều, sức mua rất chậm. Khách mua hàng của chị đa số là khách quen trước đó, tuy nhiên số lượng có giảm vì chính khách hàng cũng chia sẻ sẽ hạn chế mua sắm nhất có thể, tính toán hơn trong chi tiêu trước và trong Tết.
Còn khoảng hơn tuần nữa là Tết, chị Châu dự định sẽ đưa ra nhiều chương trình giảm sâu hơn nữa với mong muốn tồn hàng ít nhất có thể. “Tầm này thì lỗ cũng phải chịu, còn hơn hàng để đó mà không có dấu hiệu nhúc nhích, phải đẩy đi được nhiều hàng tồn nhất có thể thì mới yên tâm ăn Tết" chị nói.
Khách đến "chụp nhiều hơn mua" diễn ra hàng ngày
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, ghi nhận của Người Đưa Tin tại phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) ngập tràn sắc đỏ của đèn lồng, lì xì, hình treo thần tài phục vụ người dân Thủ đô mua sắm. Nhiều mặt hàng trang trí Tết mang đậm nét truyền thống như câu đối đỏ, mô hình bánh chưng, pháo, chữ thư pháp được bày bán đa dạng, với nhiều kích cỡ để khách hàng lựa chọn.
Chị Lưu Ngọc Nga là quản lý một cửa hàng có tiếng bán đồ trang trí trên phố Hàng Mã cho biết: “Tết Nguyên đán là vụ mùa lớn nhất và cũng là vụ cuối cùng trong năm nên ai cũng chuẩn bị hàng hóa từ trước đó vài tháng. Năm nay nhiều mặt hàng có mẫu mã đẹp, giá cả cũng ở mức trung bình nhưng tình trạng khó khăn chung, kinh tế đi xuống nên người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, không mua ồ ạt như trước”.
Tình trạng "chụp nhiều hơn mua" diễn ra hàng ngày.
Các dịp Lễ, Tết trong năm cửa hàng đều trang trí thay đổi cửa hàng cho phù hợp. Thấy vậy, các khách hàng là giới trẻ đến cửa hàng với mục đích chụp ảnh, xem đồ là chính. Tình trạng “chụp nhiều hơn mua" diễn ra hàng ngày. Năm nay, cửa hàng chị chuẩn bị số lượng nhiều hơn 30% so với năm ngoái, thế nhưng lượng khách không thay đổi.
Cùng tình trạng với cửa hàng chị Nga, bà Phan Ngọc Bích, 66 tuổi là chủ cửa hàng trang trí trên phố Hàng Mã cho biết, khách đến xem, chụp ảnh thì nhiều còn khách mua mỗi ngày chỉ lác đác vài người. Có những lúc bà cảm thấy khó chịu vì khách đến chụp, xem cho vui cản trở những người khách mua hàng muốn xem đồ.
Những sản phẩm linh vật nếu năm nay không bán được thì năm sau cũng không ai mua.
Bà và gia đình đã chuẩn bị rất kỹ cho hàng hoá Tết năm nay, nhưng doanh thu những ngày cận Tết còn thấp hơn năm ngoái. Những năm Trước, những ngày sát Tết thì gia đình bà cần khoảng 4-5 người bán hàng do lượng khách đông, người qua lại nhiều. Nhưng năm nay, chỉ hai vợ chồng bà là đủ cho những ngày này. Bà mong doanh thu bán hàng những ngày tới "khá khẩm" hơn vì có những sản phẩm là linh vật của năm, năm nay không bán được thì năm sau cũng không ai mua.
Những hình ảnh như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình được đưa vào tác phẩm tạo nên tổng thể hài hoà mang đậm nét làng quê xưa.
Nguồn: [Link nguồn]