Thị trường gas có hết bát nháo?
Sở Công Thương TP HCM vừa ra quy định buộc các hộ kinh doanh gas chỉ mua gas ở một tổng đại lý để nhằm chấn chỉnh sự bát nháo của thị trường.
Sự bát nháo trong hoạt động kinh doanh gas tại TP HCM lâu nay đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, khi Sở Công Thương TP HCM ban hành văn bản số 290 ngày 9/1 để chấn chỉnh tình hình, trong đó có những hướng dẫn chi tiết nhằm giúp lành mạnh hóa thị trường gas lại khiến một mắt xích trong chuỗi cung ứng gas - các hộ kinh doanh gas cá thể - phản ứng dữ dội và đề nghị thu hồi văn bản này.
2.800 cửa hàng bị ảnh hưởng
Văn bản 290 đã được Sở Công Thương gửi cho các thương nhân và hộ kinh doanh gas tại TP HCM từ trước Tết, yêu cầu xác định lại hình thức phân phối gas và thiết lập, đăng ký hệ thống phân phối kinh doanh gas theo Nghị định 107 của Chính phủ năm 2009 về kinh doanh gas và Thông tư số 11 của Bộ Công Thương về ban hành Quy chế đại lý kinh doanh gas.
Thị trường gas liệu có lành mạnh hơn sau khi Sở Công Thương siết lại việc kinh doanh gas?
Ảnh: Hồng Thúy
Trong đơn kiến nghị, các hộ kinh doanh gas cho biết mục 2.1 và 2.4 của văn bản này có tính chất “thích đào sông để có đò ngang” khi yêu cầu họ không được phép mua hàng trực tiếp từ thương nhân kinh doanh gas đầu mối mà chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý kinh doanh gas. Trong khi đó, điều 31 Nghị định 107 lại cho phép cửa hàng gas ký hợp đồng với 3 thương nhân kinh doanh gas.
Do đó, nếu văn bản được áp dụng, khi phải qua tổng đại lý, giá gas sẽ đội lên từ 20.000-35.000 đồng/bình 12 kg so với nhập trực tiếp từ thương nhân đầu mối, tước đoạt quyền mua gas chất lượng tốt của người tiêu dùng. Việc phân phối gas qua nhiều tầng nấc cũng sẽ khiến việc chống gas giả, gas nhái gặp khó khăn. Hơn hết, các hộ kinh doanh gas (ước tính lên đến 2.800 cửa hàng) tại TP HCM sẽ gặp khó khăn lớn vì bị hạn chế kinh doanh.
Hết được chiều chuộng bằng chiết khấu
Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty gas tại TP HCM ủng hộ văn bản 290 vì cho rằng phải siết chặt như thế thì mới lành mạnh hóa được thị trường gas. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), cho rằng các hộ kinh doanh gas cá thể có thể chuyển đổi giấy phép sang hình thức doanh nghiệp (DN) để không bị hạn chế trong kinh doanh.
“Nghị định 107 không nói rõ cửa hàng bán lẻ gas phải là DN nhưng yêu cầu phải thực hiện các quy định về thuế, kế toán của Bộ Tài chính mà hộ cá thể không thể đáp ứng. Ví dụ họ không thể xuất hóa đơn đỏ dù một bình gas có giá đến 400.000-500.000 đồng. Nếu không đăng ký mô hình DN thì cơ quan nhà nước rất khó kiểm tra đầu vào - đầu ra của cửa hàng dễ dẫn đến tình trạng một số nơi tuồn hàng giả, hàng lậu vào” - bà Mẫn lý giải.
Cũng theo bà Mẫn, khi áp dụng văn bản 290, chính Saigon Petro cũng bị ảnh hưởng vì trước đây khuyến khích tổng đại lý độc quyền nhưng đến nay phải tạo điều kiện cho họ kinh doanh thêm thương hiệu khác để dễ hơn trong việc bán hàng.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành gas thì cho rằng phản ứng của các hộ kinh doanh gas cá thể là dễ hiểu khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Lâu nay, các cửa hàng bán lẻ gas có quyền lực rất lớn khi họ mới là người quyết định đưa bình gas thương hiệu nào đến người tiêu dùng nên các công ty gas phải ra sức chiều chuộng bằng chiết khấu. Ngoài ra, sau một thời gian dài
TP HCM ngưng cấp phép cửa hàng bán lẻ gas mới, một giấy phép kinh doanh gas được “sang nhượng” lên đến cả trăm, thậm chí cả tỉ đồng.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đến ngày 20/2 vẫn chưa nhận được đơn kiến nghị của các hộ kinh doanh gas này nên vẫn chưa thể có phản hồi chính thức. “Tuần sau, Sở Công Thương sẽ có buổi làm việc với Chi hội Gas miền Nam xung quanh việc thực hiện nội dung văn bản này!” - ông Đông nói thêm.