Thị trường gạo thế giới xáo trộn vì Trung Quốc
Trên thị trường gạo thế giới, một khách mua lớn và đầy bất ngờ đã nổi lên trong năm qua. Đó là Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal cho biết, trong suốt nhiều thập kỷ, hoạt động sản xuất gạo bùng nổ của Trung Quốc cho phép nước này xuất khẩu ròng gạo. Tuy nhiên, quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới này giờ đã trở thành một nước nhập khẩu gạo cỡ bự.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2012, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục 2,6 triệu tấn. Xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu gạo của nước này đã bắt đầu từ năm 2011, năm mà Trung Quốc nhập 575.000 tấn gạo. Trong suốt 40 năm trước đó, Trung Quốc chỉ có 4 năm nhập khẩu ròng gạo.
Động thái trên của Trung Quốc đã gây ra những băn khoăn và tranh cãi trong ngành gạo quốc tế, khi mà các nhà phân tích và giới giao dịch cố gắng tìm hiểu lý do đằng sau nhu cầu gạo đầy bất ngờ của quốc gia đông dân nhất thế giới, và điều này có ý nghĩa gì đối với giá gạo quốc tế cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Một số nhà phân tích tin rằng, việc Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo xuất phát từ nhu cầu tăng mạnh của người tiêu dùng nước này. Những người theo quan điểm này nhận định, cho dù Trung Quốc đã tăng sản lượng gạo 9 năm liên tiếp, thì mức sản lượng hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Nếu nhận định này là thật, thì việc Trung Quốc tăng cường nhập gạo có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chuyển biến lớn và kéo dài trên thị trường gạo toàn cầu. Nếu vậy, sẽ xuất hiện những lo ngại liệu thế giới có đủ nguồn cung gạo hay không, và giá gạo sẽ đi lên.
“Nếu tốc độ nhập gạo của Trung Quốc như trong năm nay duy trì, thì mối lo sẽ là liệu phần còn lại của thế giới có đủ khả năng bù đắp cho nhu cầu gạo bị thiếu hụt của Trung Quốc”, ông Cheng Fang, một chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) nhận định.
Một số chuyên gia khác lại đưa ra một lý do đơn giản hơn. Họ cho rằng, mức giá gạo mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra quá cao so với giá loại gạo tương đương trên thị trường quốc tế. Vì vậy mà các thương nhân Trung Quốc mua gạo với giá rẻ hơn từ Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ để đem về nước bán kiếm lãi lớn.
Cách làm này đã sinh lợi nhiều hơn trong những tháng gần đây. Theo giới thương nhân, vào giữa tháng 12 vừa rồi, giá gạo trung bình của Việt Nam vào khoảng 410 USD/tấn, so với mức giá gạo tương tự tại Trung Quốc là 635 USD/tấn.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2012, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục 2,6 triệu tấn.
Ông Thomas Pugh, một chuyên gia kinh tế về hàng hóa cơ bản của hãng nghiên cứu Capital Economics có trụ sở ở London, nhận xét, ở Trung Quốc đang tồn tại hai thị trường gạo riêng biệt. Nông dân Trung Quốc bán gạo cho Chính phủ, nhưng người tiêu dùng nước này lại mua gạo nhập từ nước ngoài. Kết quả là, một lượng gạo lớn mà Chính phủ thu mua bị cất trong kho, thay vì được đem ra chế biến và tiêu dùng. Một khi khoảng cách giữa giá gạo ở Trung Quốc với thế giới thu hẹp, thì nhập khẩu gạo của nước này sẽ giảm trở lại.
Cho dù lập luận nào là chính xác, thì việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo cũng có ảnh hưởng lớn tới giá gạo thế giới. Nếu xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ gạo tăng, xu hướng này có thể sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao trong mấy năm hoặc thậm chí là những thập kỷ tới đây. Còn nếu đây là một cách phản ứng trước chính sách giá gạo của Chính phủ Trung Quốc, giá gạo toàn cầu có thể rơi vào thế dễ bị tổn thương nếu các chính sách này bị đảo ngược.
Ở thời điểm hiện tại, giá gạo thế giới chủ yếu được thiết lập giữa các chính phủ với các khách hàng lớn. Tại Mỹ, giá gạo giao sau đã thu hẹp biên độ dao động trong năm qua, chủ yếu bởi Trung Quốc không mua gạo từ Mỹ. Một số nông dân sản xuất lúa gạo tại Mỹ đã nhận thấy điều này và lên tiếng thúc giục Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng các nhà chức trách Trung Quốc cho gạo Mỹ được xuất sang Trung Quốc.
Đường hướng chính sách về giá gạo của Trung Quốc là quan trọng, bởi gạo là lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới. Giá gạo là một trong những tâm điểm chú ý của các chuyên gia kinh tế quốc tế. Giá gạo tăng có thể kéo giá các loại lương thực khác như lúa mỳ và ngô tăng theo. Vào năm 2009, giá gạo tăng mạnh đã đẩy giá nhiều loại ngũ cốc chủ chốt khác leo thang.
Hầu hết các nước tiêu thụ gạo lớn đều đồng thời là những nước sản xuất gạo lớn, khiến lượng gạo trong thương mại toàn cầu chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng gạo của thế giới. Trong năm 2012, chỉ có 37,3 triệu tấn gạo được giao dịch toàn cầu, chiếm 7,7% tổng sản lượng - theo số liệu của FAO. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 140 triệu tấn gạo mỗi năm, nên bất kỳ biến động nào trong hoạt động nhập gạo của Trung Quốc cũng có thể có ảnh hưởng lớn tới giá gạo thế giới.
Một số nhà phân tích của FAO đang nỗ lực tìm hiểu kỹ hơn về kho gạo của Trung Quốc. Các chuyên gia này cho rằng, lượng gạo nhập khẩu tăng và giá gạo trong nước cao cho thấy, có thể lượng gạo tồn kho của Trung Quốc không lớn như dự báo.
Nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng đã khiến FAO đặt câu hỏi xung quanh những con số ước tính của chính cơ quan này về kho gạo của Trung Quốc. Hiện tại, FAO ước tính Trung Quốc có 93,7 triệu tấn gạo tồn kho tính đến cuối tháng 9 năm ngoái. Số lượng gạo tồn kho này đủ cho cả nước Trung Quốc dùng trong 8 tháng rưỡi, một mức cao chưa từng có.
“Chúng tôi nghĩ con số ước tính này là quá cao”, ông Fang phát biểu, đồng thời nói thêm rằng, FAO đang làm việc với Chính phủ Trung Quốc và sẽ điều chỉnh lại số liệu sau khi tiến hành các điều tra và phân tích. Hiện không có số liệu chính thức nào về lượng gạo trong các kho chứa ở Trung Quốc, vì phần lớn lượng gạo tồn kho này nằm trong tay người nông dân và rất khó để thống kê.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy, việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo cũng một phần do nhu cầu cơ bản cần có thêm gạo của nước này. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính rằng, nhu cầu gạo của Trung Quốc sẽ vượt sản lượng gạo của nước này 1 triệu tấn trong năm nay, và năm 2014 sẽ là một năm nhập khẩu ròng gạo nữa của Trung Quốc. Tính đến cuối vụ thu hoạch tháng 6-7, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc được phía Mỹ ước tính ở mức 45,85 triệu tấn, bằng chưa đầy 4 tháng tiêu thụ.