Thị trường gạo thế giới đang cạnh tranh gay gắt

Campuchia tham gia cạnh tranh thị trường xuất khẩu gạo với Việt Nam

Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu gạo tháng  9 với số lượng 545.362 tấn, giá bình quân 439,11 USD/tấn. So với tháng 8 số lượng giảm 12,89%, giá bình quân tăng 7,82 USD/tấn. Lũy kế xuất khẩu 9 tháng đầu năm số lượng 4,788 triệu tấn, trị giá 2,070 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái số lượng giảm 7,81%, trị giá giảm 7,2%, giá bình quân tăng 2,85 USD/tấn.

Giá lúa giảm nhẹ

Thị trường xuất khẩu chính trong tháng 9 là Philippines, châu Phi, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia. Theo VFA, hợp đồng đăng ký trong tháng 9 đạt mức thấp, giảm mạnh so với tháng 8 nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ. Lũy kế hợp đồng đã đăng ký đến hết tháng 9 vẫn còn tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số lượng hợp đồng chưa thực hiện vẫn còn nhiều, chủ yếu là Trung Quốc, châu Phi, Malaysia và Indonesia.

Thị trường gạo thế giới đang cạnh tranh gay gắt - 1

Giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu long đang giảm nhẹ

Cũng theo VFA, giá lúa gạo trong nước tháng 9 giảm khoảng 150 đồng/kg lúa và 200 đồng/kg gạo so với tháng 8 và giảm nhiều hơn so với tháng 7, do nhu cầu mua vào thực hiện các hợp đồng đã ký giảm. Giá lúa khô tại ruộng đầu tháng 10 này đối với lúa hạt dài từ 5.000-6.050 đồng/kg, lúa thường từ 4.900-5.950 đồng/kg. Giá lúa khô loại hạt dài tại kho doanh nghiệp từ 5.250-6.150 đồng/kg, lúa thường từ 5.150 -6.050 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao giao tại mạn tàu loại 5% tấm từ 8.850-9.050 đồng/kg. Được biết giá thành bình quân vụ lúa hè thu này tại vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính công bố là 4.370 đồng/kg.

Theo VFA, thị trường gạo thế giới đang trong chiều hướng suy yếu trở lại sau khi giao dịch kết thúc từ Philippines và Indonesia trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Thị trường đang chờ nhu cầu tiếp theo từ khu vực Đông Nam Á và nhất là tăng mua từ Trung Quốc. Trong khi áp lực thu hoạch mới đồng loạt tại Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và Campuchia sắp đến, tạo ra cạnh tranh gay gắt sẽ làm giá thị trường sút giảm trong thời gian tới.

Áp lực

Thái Lan, đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm nay, vượt cả mức kỷ lục 10,5 triệu tấn năm 2011. Thái đang khôi phục lại các thị trường truyền thống ở châu Phi với lợi thế gạo cũ giá rẻ. Chính phủ nước này tăng cường, mở rộng thị phần ở khu vực châu Á, nhất là giao dịch các hợp đồng chính phủ với Philippines, Indonesia, Trung Quốc. Thái Lan có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và các nhà xuất khẩu gạo truyền thống thông qua Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan để tổ chức thực hiện các hợp đồng chính phủ. Cơ chế xuất khẩu gạo của Thái Lan gần giống với Việt Nam nhưng được sự hỗ trợ của chính phủ với nguồn cung cấp gạo cũ giá rẻ. Nước này cũng đang tìm biện pháp hỗ trợ đầu vào cho nông dân để giảm giá thành, hỗ trợ tín dụng cho nông dân tạm trữ.

Những dự báo trước đây về thay đổi thời tiết tác động đến sản xuất gạo tại Ấn Độ đã không xảy ra. Ấn Độ dự kiến sẽ đạt sản lượng 2 vụ khoảng 190 triệu tấn, có nghĩa là Ấn Độ sẽ không hạn chế xuất khẩu. Đối với Myanmar, xuất khẩu đang sút giảm do Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu không chính thức qua biên giới (giống như Việt Nam). Xuất khẩu gạo của Myanmar hiện lệ thuộc thị trường Trung Quốc thông qua biên giới (không thể xuất khẩu chính thức bằng đường biển vì chưa có thỏa thuận giữa 2 chính phủ về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm).

Campuchia xuất khẩu tăng nhẹ trong 9 tháng, khoảng 270.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu đi EU, Trung Quốc và Malaysia. Xuất khẩu gạo của Campuchia sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Với việc Thái Lan ngưng chương trình cam kết, sản lượng gạo Campuchia sẽ tác động nhiều hơn đối với nguồn cung cấp của Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt, hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ hè thu 1,675 triệu ha, sản lượng 9,17 triệu tấn lúa. Hiện khu vực này cũng đã xuống giống vụ thu đông được khoảng 820.000/823.000 ha diện tích kế hoạch (đã thu hoạch được khoảng 250.000 ha).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hải (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN