Thị trường bánh Trung thu: Lo thả nổi chất lượng
Nhiều loại bánh trung thu “độc, lạ” với nhân trứng chảy tràn, bánh làm từ tinh than tre, bánh trung thu sấy dẻo… tràn ngập các cửa hàng bánh kẹo, chợ online. Không chỉ rẻ, loại bánh này còn được quảng cáo siêu ngon, thời hạn sử dụng… siêu lâu.
Hạn sử dụng... vô hạn!
Trưa 17/8, tại chợ Hòa Hưng (Q.10), người bán hàng tên Thủy chuyên bán các loại tô chén, ly đũa để thêm chiếc bàn nhỏ giữa chợ chào mời mua bánh trung thu. “Bánh nhà làm ngon lắm em, trứng muối, thập cẩm, nướng, dẻo… đủ hết, giá chỉ 20.000 đồng/cái thôi. Ăn là ghiền”, bà Thủy quảng cáo.
Cầm chiếc bánh quan sát, ngoài chiếc tem nhỏ xíu in dòng chữ: thập cẩm gà quay, khoai môn, đậu xanh… tuyệt nhiên không còn thông tin gì khác. Bao gói bánh chỉ bằng nilon được dán miệng bằng băng keo. Bà Thủy giải thích: “Nhà làm mà, bảo đảm an toàn, thời gian sử dụng lâu lắm. Em cứ yên tâm đi! Bà chị của tui làm cả chục năm rồi, bán trên Sài Gòn (chợ Bến Thành, Q.1) đắt khách lắm. Hôm qua có người mua ăn thử, thấy ngon quay lại mua thêm gần cả triệu tiền bánh đó”.
Thời điểm này, chợ Bình Tây (Q.6) - chợ sỉ lớn nhất Sài Gòn cũng tấp nập các loại bánh trung thu với đủ các thương hiệu như Thanh Tâm, Hải Dương, Thu… giá từ 3.000 đến 50.000 đồng/cái (tùy loại). Và tất nhiên loại bánh nào cũng “nhiều không”: không thành phần nguyên liệu, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng…
“Em mua loại nào chị chọn cho. Mua làm từ thiện thì chọn bánh nhỏ chút xíu nhưng rẻ tiền, còn mua về ăn hoặc làm quà tặng thì chọn loại đắt hơn, to hơn. Hàng mới hết đó, chị mới nhập về ít ngày thôi. Mua số lượng nhiều, từ 10 hộp trở lên (4 cái/hộp) sẽ được chiết khấu thêm từ 10 đến 15%”, một tiểu thương chợ Bình Tây gợi ý.
Bánh trung thu Trung Quốc ngàn lớp nhân trứng muối chảy, có tên Liu Xin Su cũng được bày bán tại nhiều cửa hàng tại TPHCM. Loại này có lớp vỏ thơm giòn, lớp 2 mochi dẻo ngậy... cuối cùng là nhân trứng chảy tràn thơm ngon, đậm vị...
Bánh trung thu “3 không” được quảng cáo “nhà làm” bán tại chợ Hòa Hưng (ảnh chụp trưa 17/8)
Tại Châu Minh Phan shop (Nguyễn Văn Thương, Q.Bình Thạnh), các loại bánh trung thu này chất đầy kệ. Ngoài dòng chữ Liu Xin Su, thông tin trên vỏ hộp hoàn toàn bằng tiếng Trung, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhân viên quảng cáo đây là hàng xách tay, Liu Xin Su là hãng bánh nổi tiếng tại Đài Loan. Trong khi đó, cửa hàng NaNa Store (Lê Văn Sỹ, Q.3) khẳng định, Liu Xin Su chỉ là tên gọi bánh trung thu chứ không phải thương hiệu. Nhiều nơi quảng cáo bánh được sản xuất tại Đài Loan nhưng bánh có nguồn gốc từ Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… chủ một số shop cũng ghi bánh có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng cũng có shop giới thiệu bánh này thuộc hệ thống No Brand, một thương hiệu bánh nổi tiếng tại Hàn Quốc.
Liên hệ với người tên T, chuyên cung cấp bánh trung thu nhân trứng chảy tràn, chúng tôi được báo giá, nếu lấy trên 200 hộp sẽ có giá 70.000 đồng/hộp 6 cái (tính ra mỗi bánh giá chỉ tầm 12.000 đồng). T khẳng định hàng nhập chính ngạch Đài Loan, bao “check code” (kiểm tra mã), nếu kiểm tra ra bánh “fake” (nhái) sẽ đền tiền gấp 5 cho khách mua hàng và sẵn sàng cung cấp các giấy tờ kiểm định nguồn gốc, chất lượng.
“Bánh đang hot, hạn sử dụng 2-3 tháng vô tư nên không lo ế, nhiều người còn xếp hàng chờ nhập về bán. Có ngày tôi giao gần ngàn hộp cho khách trong Nam, ngoài Bắc” - T cho hay. Tuy nhiên, khi yêu cầu được xem các giấy tờ kiểm tra chất lượng trước khi đặt hàng thì T lại kiếm cớ từ chối.
Khó quản?
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết, bánh trung thu phải đáp ứng các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP khi bán ra thị trường; truy xuất được nguồn gốc để người sản xuất chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và thậm chí nơi bán phải đóng thuế chứ không được phép tự ý bán tràn lan.
“Bánh nhà làm thì để nhà ăn hoặc biếu tặng người thân, bạn bè chứ bán mà chưa đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định là vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định vì đã bán sản phẩm thì phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng” - bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước, chỉ nên mua bánh từ những thương hiệu uy tín, có cửa hàng đàng hoàng, không nên mua sản phẩm không có bao bì, nhãn mác.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cơ quan này đã yêu cầu cục QLTT các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra giám sát thị trường bánh trung thu. Theo đó, phải tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kho nguyên liệu làm bánh như mứt bí, hạt dưa...; lấy mẫu bánh trung thu lưu thông trên thị trường để kiểm tra. Đặc biệt, phải tập trung kiểm tra các loại bánh sản xuất thủ công, không công bố chất lượng.
Ngày 18/8, trao đổi với báo Tiền Phong, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, Ban đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu ngay từ đầu tháng 8. Khi phóng viên đặt vấn đề nhiều chợ xuất hiện bánh trung thu “3 không”, bà Lan cho rằng chợ lẻ đã có quận, huyện quản lý, Ban chỉ hỗ trợ khi ban quản lý chợ yêu cầu hoặc khi có tin báo cụ thể. |
4.440 bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc kịp thời bị thu giữ khi đang chuẩn bị được rao bán, đến tay người...