Thị trường bánh mứt kẹo bát nháo, người dùng bỏ tiền thật rước của ôi
Những ngày này, thị trường bánh, mứt, kẹo đang hết sức sôi động. Nhiều sản phẩm nội, ngoại bày bán la liệt khắp các chợ, cửa hàng do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao. Câu hỏi đặt ra đâu là hàng thật, đâu là hàng giả vẫn khiến nhiều người cảm thấy hoang mang.
Kinh hoàng tiêu chí “3 không”
Khác với những năm trước, thị trường bánh kẹo Tết Nguyên đán ở Hà Nội năm nay các doanh nghiệp “nội" không có nhiều sản phẩm mới, trong khi đó, thị trường bánh kẹo trôi nổi lại phong phú về chủng loại, sản phẩm. Trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Trương Định (Hai Bà Trưng) và các chợ nhỏ của Hà Nội, tiểu thương bày bán các sản phẩm bánh kẹo theo cân, với tiêu chí “3 không", không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng. Đáng nói, hầu hết các sản phẩm bánh kẹo tại đây rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm bánh kẹo chính thống, đóng gói bày bán ở các siêu thị, cửa hàng lớn. Cụ thể, các tiểu thương trên đường Trương Định đang bán nhiều loại bánh kẹo “3 không", giá từ 100.000- 120.000 đồng/kg.
Trên các tuyến phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu (quận Hoàn Kiếm), giá bánh kẹo “3 không" còn rẻ hơn. Theo đó, kẹo vị hoa quả có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg; các loại bánh (có chữ tiếng Việt) dao động từ 30.000 - 50.000 đồng, loại bánh kẹo được người bán giới thiệu là hàng nhập khẩu với chữ Trung Quốc, chữ Hàn Quốc giá từ 110.000 - 140.000 đồng/kg. Nếu mua sỉ, giá sẽ còn rẻ hơn.
Bánh kẹo được gắn đủ các mác hàng ngoại, phổ biến nhất là Thái Lan, Hàn Quốc... Ảnh: Báo Tin tức.
Trước tình trạng tràn lan các sản phẩm nội, ngoại nhập với sự nhập nhèm của tem, nhãn mác, người tiêu dùng băn khoăn bởi không thể phân biệt hàng thật và hàng giả. Mới đây, phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện một quầy hàng bánh kẹo trên phố Mạc Thị Bưởi (quận Hai Bà Trưng) bán hàng tấn bánh kẹo Trung Quốc nhưng giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc. Theo Đại úy Hoàng Thị Việt Hà, thành viên đoàn kiểm tra, hơn 1 tấn hàng này được chủ hàng khai nhận mua với giá hơn 30 triệu đồng nhưng bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần. Trao đổi với báo chí, Đại úy Hà cho biết: “Lợi dụng tâm lý khách hàng thích bánh kẹo ngoại, một số đối tượng đã đặt hàng bên kia bên giới các sản phẩm ghi sai nguồn gốc, xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng”.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng điều tra khám xét kho hàng ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, nơi vốn được dân buôn bánh kẹo gọi là “thủ phủ” bánh kẹo giả, nhái của miền Bắc. Tại đây, bánh kẹo chất đống, vứt la liệt trong các kho hàng. Quan sát bằng mắt thường thấy bánh kẹo được gắn đủ các mác hàng ngoại, phổ biến nhất là Thái Lan, Hàn Quốc... Nhưng khi kiểm tra kỹ mới thấy không phải như vậy. Cụ thể, loại bánh chocolate ốc quế đang bán rất chạy trên thị trường có bao bì nhãn mác là chữ Hàn Quốc. Tuy nhiên, chủ hàng ở La Phù thừa nhận người gửi hóa đơn lại ghi là sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó, loại kẹo King Egg dành cho trẻ em được thiết kế như quả trứng, mã vạch in trên sản phẩm có đầu là 885 (Thái Lan), nhưng thực chất sản xuất tại Trung Quốc. Rất nhiều sản phẩm được ghi sản xuất tại Thái Lan, Indonesia nhưng khi kiểm tra, chủ hàng thừa nhận là hàng Trung Quốc.
Vớ hàng lởm vì hám rẻ
Đáp ứng tâm lý muốn mua hàng rẻ của nhiều tiểu thương và một bộ phận người tiêu dùng, các chủ buôn bánh kẹo tại La Phù đã nhập lậu hàng Trung Quốc không hóa đơn, chứng từ. Điều đáng lo ngại, trong số hàng bánh kẹo Trung Quốc có nhiều loại chứa chất độc đã bị cấm lưu hành như kẹo mút phát sáng cho trẻ em.
Trong khi đó, trên chợ mạng, sản phẩm bánh mứt được rao bán rầm rộ, có loại được đóng thành gói, hộp hay thùng từ 5 đến 20kg. Các loại quả cherry, kiwi, nho tươi bình thường giá rất cao, nhưng mứt được làm từ các loại quả này lại chỉ vài chục nghìn đồng 1kg. Điều này đặt ra nghi vấn về chất lượng các loại sản phẩm này. Nhiều người lo rằng, các mặt hàng mứt, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan dịp cận Tết ngoài việc chế biến không đảm bảo vệ sinh, người sản xuất còn sử dụng các loại chất hóa học, phẩm màu độc hại không được kiểm soát. Thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thực phẩm sử dụng các phụ gia độc hại.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), phụ gia thực phẩm được bộ Y tế cho phép thường có giá khá cao. Do vậy, vì mục đích lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng phụ gia công nghiệp để chế biến thực phẩm hoặc dùng phụ gia nằm trong danh mục cho phép nhưng lại sai nồng độ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Một chuyên gia hóa thực phẩm cảnh báo, bánh kẹo, mứt, hạt dưa kém chất lượng có thể chứa nhiều các chất độc hại như: Chất Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư; chất phụ gia tạo màu gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về não, ung thư; hay chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây chán nản, kiệt quệ các tế bào não...Đặc biệt phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như bánh kẹo, thạch, dễ gây ra ngộ độc. Đáng nói, bằng mắt thường không thể phát hiện phẩm màu trong bánh kẹo là phẩm màu công nghiệp hay phẩm màu tự nhiên.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo, cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm bánh kẹo, mứt đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (xem trên nhãn mác); lựa chọn các sản phẩm bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo như: Nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm... tránh mất tiền thật, rước của giả. |