Thép “lách” thuế ồ ạt nhập khẩu
Sau khi Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam...
Sau khi Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, lượng thép này nhập khẩu vào Việt Nam sụt giảm khó tin, trong khi các mã không chịu thuế tăng “khủng”. Diễn biến này cho thấy có tình trạng trốn thuế nhập khẩu thép với số lượng không nhỏ.
Một tháng nhập gấp 3 lần cả năm ngoái
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra bảng số liệu thống kê cho thấy, lượng thép cuộn nhập bị áp thuế tự vệ sụt giảm rõ rệt. Tổng lượng nhập thép cuộn 9 tháng đầu năm nay chỉ bằng 60% cùng kỳ năm 2015 và bằng 44% tổng lượng nhập cả năm 2015. Đáng chú ý, lượng nhập mỗi tháng có xu hướng giảm dần và giảm một cách rõ rệt, đặc biệt từ tháng 4/2016 là thời gian có hiệu lực của quyết định áp thuế tự vệ tạm thời.
Hiệp hội Thép đặt nghi vấn lẩn tránh thuế tự vệ và đề nghị mở rộng việc áp thuế tự vệ với thép nhập khẩu - Ảnh minh họa: TNN
Trong khi đó, lượng nhập các mã thép cuộn không thuộc phạm vi áp thuế tự vệ thương mại lại tăng vọt. Nếu trong 3 tháng đầu năm, số lượng thép này nhập khẩu chỉ từ 1,3-3,3 nghìn tấn/tháng thì đến tháng 4 đã tăng lên hơn 5 nghìn tấn, sau đó tăng vọt theo cấp số nhân trong các tháng tiếp theo. Nếu tính riêng từ tháng 4 đến tháng 9/2016, lượng thép nhập khẩu này đã gấp hơn 8 lần so với tổng lượng nhập của cả năm 2015. Đặc biệt, tháng 9/2016, chứng kiến lượng nhập khẩu “khủng” tới hơn 120.000 tấn, gấp hơn 3 lần tổng lượng nhập cả năm 2015. “Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi tại các cảng lớn, lượng nhập tháng 10/2016 sẽ không dưới 100.000 tấn”, vị đại diện VSA nói.
Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt DN nhập khẩu hoàn toàn mới mà theo VSA, các DN này trước đây nhập khẩu các mã sản phẩm chịu thuế tự vệ nay chuyển sang các sản phẩm không chịu thuế hay thuế suất thấp. Do mức thuế suất chênh nhau từ 15-30% tùy mặt hàng nên VSA khẳng định, có hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại từ các mã bị áp thuế sang các mã không bị áp thuế.
Doanh nghiệp sản xuất trong nước bị tố đầu cơ trục lợi?
Đáp lại nghi vấn cáo buộc từ VSA, hơn 30 DN nhập khẩu thép có mặt trong cuộc họp thu thập thông tin của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ngày 19/12 đồng loạt khẳng định, không có sự lẩn tránh thuế và yêu cầu gỡ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm nào trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang cho hay, DN nhập khẩu thép về chỉ để làm nguyên liệu sản xuất. DN này cũng lý giải việc nhập khẩu mà không mua trong nước là do chất lượng thép trong nước không đáp ứng được yêu cầu về hàm lượng thành phần. Nếu dùng nguyên liệu trong nước thì không kéo được do không đảm bảo độ mềm.
Bên cạnh đó, theo bà Hoàng Yến, Công ty TNHH Việt Quang ký hợp đồng với DN trong nước thì bị bắt thanh toán 100% giá trị khi mở hợp đồng, trong khi DN nước ngoài cho phép trả chậm trong 6 tháng với lãi suất thấp của đồng USD. “Chế độ bán hàng quá khắt khe. DN trong nước muốn tạo điều kiện cho nhau thì phải có kế hoạch dài hơi một chút bởi chúng tôi mỗi lần thanh toán 20-30 tỷ đồng chứ có ít đâu”, bà Yến nói.
Trong đơn kiến nghị gửi Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng trước đó, 17 DN hoạt động trong lĩnh vực sản suất và kinh doanh thép không gỉ đã đề nghị làm rõ quá trình làm thủ tục khai báo hàng nhập khẩu các mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam. Đơn kiến nghị chỉ ra hai hành vi là cố tình khai sai mã HS của hàng hóa, từ loại mã HS có thuế suất thuế 10-20% sang loại có thuế suất thuế 0% và hành vi giảm giá nhập khẩu so với giá thực tế để trốn thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá và thuế giá trị gia tăng. Tổng giá trị trốn thuế của 11 DN bị nêu tên cụ thể trong thời gian tháng 2-9/2015 lên tới hơn 1,1 triệu USD (tương đương gần 30 tỷ đồng). |
Một số DN nhập khẩu còn cho biết, ngay khi có quyết định áp thuế tự vệ, giá thép trong nước đã tăng chóng mặt. Ông Sưa thừa nhận giá thép tăng đến 2 triệu đồng/tấn do có sự đầu cơ trong nước ngay sau thời điểm có quyết định áp thuế tự vệ. Tuy nhiên, đại diện VSA cũng cho rằng, đến tháng 7 và tháng 8 giá thép đã giảm mạnh.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Công ty TNHH TM và DV thép Khương Mai nhìn nhận việc lẩn tránh, gian lận thuế, né thuế ở DN này, DN kia là điều khó tránh khỏi. “Ai làm sai thì đề nghị cơ quan quản lý xử lý vì các DN ai cũng muốn công bằng. Nếu Bộ Công thương phát hiện được gian lận thì cứ xử phạt theo luật”, ông Khương đề nghị và cho biết, đã có văn bản gửi Hiệp hội Thép.
Về thị trường trong nước, làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu, giảm tỷ lệ nhập khẩu? Lãnh đạo Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho hay, đã trao đổi với một số DN thép lớn trong nước và cảnh báo các DN này “nếu không làm thì DN sẽ nhập khẩu. Và nếu không làm được mà cứ giữ thuế cao thì sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí”. Vị này cũng khẳng định, cơ quan Nhà nước bảo vệ sản xuất trong nước với điều kiện các DN cũng phải tích cực đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, còn cái gì trong nước không làm được thì phải đề xuất xem xét.
Chốt lại vấn đề, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mã thép nhập khẩu là bảo vệ và khuyến khích sản xuất trong nước chứ không nghiêng về bất cứ một DN nào. Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các DN đến ngày 31/12 năm nay.
Phó chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa đồng tình, với sự hỗ trợ đó của Nhà nước, các DN sản xuất trong nước phải tìm cách nâng cao cạnh tranh, cùng các DN khác đàm phán để có giá cả hợp lý.