Thay hàng loạt công tơ điện tử: Lo chi phí “bổ” thêm vào giá điện

Việc thay thế công tơ cơ (đang dùng hiện nay) sang công tơ điện tử được kỳ vọng giúp việc ghi chỉ số công tơ điện được minh bạch hóa nhưng cũng gây lo ngại rằng chi phí "khủng" này sẽ được tính vào chính giá điện.

Bộ Công Thương vừa đồng ý về chủ trương cho phép EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) triển khai áp dụng công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa đối với các công tơ đo đếm điện năng trong toàn EVN (còn gọi là công tơ điện tử). Người dân lại lo giá điện tăng lên do “gánh” chi phí…

Thay công tơ để “minh bạch”!

Thời gian qua, khiếu nại của người dân tăng mạnh vì hóa đơn điện tăng vọt và đã có không ít trường hợp người dân bị công nhân nhà đèn ghi sai chỉ số điện, nhầm lẫn hóa đơn điện. Bộ Công Thương cho rằng, việc thay thế công tơ cơ (đang dùng hiện nay) sang công tơ điện tử là để minh bạch hóa việc ghi chỉ số công tơ điện.

Thay hàng loạt công tơ điện tử: Lo chi phí “bổ” thêm vào giá điện - 1

Kiểm định công tơ điện - Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Công Thương đã yêu cầu công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa được lựa chọn phải bảo đảm tính chính xác, tin cậy và an toàn của dữ liệu đo đếm thu thập được để làm căn cứ phục vụ thanh toán tiền điện cho người dân.

Theo GS. Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, để hình thành thị trường điện cạnh tranh, hội nhập, phát triển liên kết điện trong nước và khu vực thì các công cụ đo đếm điện năng của Việt Nam rất cần có sự tin cậy, chính xác, công bằng và phù hợp.

“Công tơ điện cơ đang sử dụng hiện không thoả mãn nhu cầu đó. Bởi thực tế, các công ty điện lực hiện vẫn đang phải sử dụng nhiều lao động để ghi số liệu công tơ. Việc này không chỉ tốn kém về chi phí mà còn có thể bị sai sót do nhiều nguyên nhân” - ông Long nhận định.

Ông Long cho rằng, việc áp dụng công tơ kỹ thuật số (điện tử) sẽ cải thiện mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung ứng điện, đảm bảo sự công bằng trong mua bán, đồng thời giúp các đơn vị sản xuất, truyền tải, nhất là phân phối điện có cơ sở đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, việc thay thế công tơ điện cơ bằng công tơ kỹ thuật số (điện tử) cũng gặp không ít vướng mắc. Đó là công tơ do nhà cung ứng điện cung cấp và quản lý. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm lắp đặt, thay thế, kiểm định và quản lý các công tơ của khách hàng. Do vậy, về tâm lý khách hàng, do không kiểm soát được công tơ, luôn nghi ngờ tính chân thực và sự cần thiết của việc thay thế, nên sau khi thay từ công tơ cơ sang công tơ điện tử, nếu mức thanh toán tiền điện vẫn giữ như cũ hoặc giảm thì khách hàng sẽ thông suốt. Ngược lại, nếu mức thanh toán tăng lên bất thường, khách hàng sẽ không thông và gây ra thắc mắc, khiếu nại.

Giá điện có tăng theo?

Một chuyên gia về điện lực phân tích: Về mặt kinh tế, trong lúc ngành điện đang thiếu vốn, thiếu cả nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị hiệu chỉnh – kiểm định… thì khối lượng công việc và kinh phí không nhỏ của việc thay thế công tơ cơ cũ bằng công tơ điện tử sẽ là một bài toán khá nan giải.

Hà Nội đã đi đầu trong việc nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc ghi chỉ số công tơ. Tổng công ty này đã hoàn thành việc đầu tư 1.129 thiết bị ghi chỉ số công tơ cho tất cả 30 công ty điện lực trên địa bàn để tăng tính minh bạch trong quá trình ghi chỉ số công tơ. Song cho đến thời điểm này, xuất xứ, giá bán của các thiết bị máy tính bảng, camera vẫn không được ngành điện tiết lộ.

Báo chí mới chỉ “đoán mò” theo tính toán của các kỹ sư điện tử về giá của thiết bị gồm gậy “tự sướng" và máy tính bảng để ghi chỉ số điện như EVN HANOI đang áp dụng khoảng 4-5 triệu đồng, như vậy với 1.300 bộ ghi chỉ số đang được sử dụng chi phí có thể ở mức 5,2-6,5 tỷ đồng. Trong khi đó nếu Hà Nội hoàn thành 100% công tơ được ghi bằng "công nghệ tiên tiến", tương đương khoảng 5.000 bộ, số tiền phải chi trả có thể lên đến 20 tỷ đồng.

Với một chi phí áng chừng lớn như vậy, song việc áp dụng gậy chụp công tơ và máy tính bảng chưa thấy ngành điện công bố rõ lợi ích về kinh tế cũng như việc giảm nhân lực ghi chỉ số. Công việc ghi chỉ số-chưa nói việc đến có bị nhầm lẫn hay không-vẫn cần đến hai nhân công thực hiện, không khác so với trước, trong khi đó ngành điện lại phải đầu tư khoản tiền lớn để mua sắm thiết bị công nghệ; đào tạo lại nhân lực… Tất cả các chi phí ấy cuối cùng nếu không “bổ” vào giá điện và người dân phải chịu thì không biết sẽ “đổ” vào đâu?!.

Cũng vì sức ép của dư luận lo ngại chi phí của ngành điện tăng lên, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN mới đây đã khẳng định: Việc đầu tư công tơ điện tử được thực hiện theo lộ trình tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất lao động của của Tập đoàn nên không làm tăng giá điện. Ông Tri cho hay, EVN đã giao cho các Tổng công ty điện lực trên nguyên tắc đảm bảo không tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã được Tập đoàn phê duyệt; đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của công tơ điện tử cũng như hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Muốn áp dụng hình thức ghi chỉ số từ xa (công tơ điện tử), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) bắt buộc phải thay thế toàn bộ 22 triệu công tơ hiện có bằng công tơ điện tử. Theo tính toán của chính ngành điện, trong vòng 5 năm tới, nếu có đủ kinh phí, mỗi năm EVN phải thay thế từ 4 - 5 triệu công tơ, chưa kể số phát triển thêm khoảng 500 nghìn đến 1 triệu công tơ điện mỗi năm. Với chi phí trung bình khoảng 600 - 700 nghìn đồng/công tơ, đến năm 2020 khi cơ bản thay thế hoàn toàn công tơ điện tử, EVN phải bỏ ra lượng kinh phí khoảng trên 10.000 tỉ đồng.

Các chí phí này, theo các chuyên gia kinh tế, đương nhiên được tính vào giá điện.

Theo lãnh đạo EVN, hiện EVN đã triển khai khoảng 1.900 điểm đo ranh giới nguồn, đầu nguồn tại các nhà máy điện (trên 30 MW) trong và ngoài EVN, tại các trạm biến áp 500 kV, 220 kV của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và một số trạm 220 kV, 110 kV, 35 kV của các tổng công ty điện lực.

Hơn 2 triệu công tơ điện tử của khách hàng sử dụng điện đã được ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: Thu thập số liệu thông qua thiết bị cầm tay HHU (thiết bị cầm tay HHU, nhân viên điện lực không phải vất vả như trước, mà chỉ đứng dưới chân cột điện... là có thể ghi chỉ số điện chính xác), thông qua bộ tập trung sử dụng giao diện vô tuyến GPRS/3G, cáp quang..

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN