Thầy giáo nghèo đổi đời nhờ nuôi chim quý hiếm như nuôi gà
Xuất thân trên vùng đất khó khăn do thổ nhưỡng không phì nhiêu, trồng trọt chăn nuôi luôn gặp trở ngại, từ đó thầy giáo Nguyễn Thành Lập, 58 tuổi ngụ ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã chọn mô hình nuôi chim trĩ-một trong những loài chim quý hiếm để làm cuộc đổi đời để cải thiện cuộc sống và đã mang lại kết quả rất bất ngờ.
Ông Nguyễn Thành Lập kể : “Năm 2014 trong một lần đi tham quan ở tỉnh Bình Dương, tôi thấy người ta nuôi loài chim trĩ có màu sắc đẹp, giá bán cao, khả năng sinh sản tốt, nuôi như nuôi gà nên tôi mua 10 con về gây giống với giá 200.000 đồng/con và phát triển đàn chim trĩ cho đến nay”.
Trên diện tích 80m2, ông Lập xây dựng 3 chuồng nuôi lớn, trong đó có 2 chuồng được phân thành ô nhỏ để chim trĩ sinh sản. Đàn chim của ông có 2 màu rất rõ ràng là màu đỏ và xanh két trông rất đẹp mắt. Tuy khác màu lông nhưng sự phát triển cơ thể và tập quán sinh hoạt của chúng như nhau.
Chim trĩ là loại chim bay nhảy khá nhiều, vì vậy chuồng trại được ông Lập bao lưới rất chặt chẽ. Đến nay ông Lập đã có được khoảng 100 con chim trĩ mái sinh sản và 30 con chim trống. Do được ông nuôi với các biện pháp khoa học kỹ thuật rất bài bản và được cho ăn thức ăn hỗn hợp như thức ăn cộng nghiệp trộn với lúa, cơm nguội, rau lang, rau muống, dưa hấu…nên chúng tăng trọng rất nhanh.
Đàn chim trĩ thầy giáo Nguyễn Thành Lập nuôi có 2 màu nổi bật là đỏ và xanh két.
Riêng chim trĩ mái sinh sản mỗi ngày là 1 trứng rất đều đặn. Trứng sau khi được ấp bằng máy khoảng 20 đến 25 ngày là chim non bắt đầu chui ra khỏi vỏ. Khoảng 10 ngày sau nở chim trĩ non thì có thể đi lại, chạy nhảy dễ dàng. Với loại chim trĩ non hiện nay ông Lập bán với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/con. Nếu nuôi thêm khoảng 100 đến 120 ngày nữa thì chim trống có trọng lượng khoảng 1,5 ký; chim mái khoảng 1,2 ký. Lúc này giá bán khoảng 400.000 đồng/con ( con trống và mái giá bán giá như nhau).
Đàn chim trĩ bố mẹ trong trang trại của gia đình ông Lập.
Thời gian đầu, ông Lập bán chim trĩ thịt là chủ yếu nhưng 2 năm trở lại đây ông đã chọn mộ hình nuôi chim sinh sản ấp trứng bán chim con. Mùa thuận để chúng sinh sản nhiều là từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 5 âm lịch của năm sau. Ông Lập lý giải: “Cách làm nầy rút ngắn được thời gian quay vòng, không đòi hỏi quá nhiều diện tích nuôi và có lãi nhiều hơn”.
Hiện nay đã có nhiều người đến đặt mua chim trĩ con với số lượng rất lớn nhưng ông Lập chưa đáp ứng nhu cầu bởi mỗi năm ông chỉ có thể cung ứng từ 600 đến 700 con chim trĩ con và khoảng 200 con chim trĩ thịt cho các nhà hàng tại Hậu Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ. Mỗi năm trừ hết các khoản đầu tư, thầy giáo Nguyễn Thành Lập có lãi trên 250 triệu đồng.
Thầy giáo Nguyễn Thành Lập đang đưa trứng chim trĩ vào máy ấp.
Hôm chúng tôi đến tham quan cũng là lúc ông Võ Thành Sang, thương lái đến từ TP. HCM ghé đặt mua chim trĩ. Ông Sang nói với vẻ tiếc nuối: “Năm trước tôi có đến đây mua 50 con về nuôi thử nghiệm, kết quả ngoài ý muốn vì chim rất khỏe, mau lớn, thịt ngon chế biến được nhiều món ăn cao cấp. Lần nầy ghe định đặt mua 1.000 con nhưng tiếc quá, ông Lập đã bán hết rồi. Vậy là phải đợi lần sau thôi”.
Ông Lập cho biết thêm: so với các loại gia cầm khác, nuôi chim trĩ nhàn hơn rất nhiều, đặc biệt chúng rất khỏe mạnh, chịu đựng được thời tiết năng, mưa bất thường. Chuồng trại nuôi chim trĩ phải cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, bên dưới lót trấu để không có mùi hôi. Nếu như ở những năm đầu ông Lập cho gà ác ấp trứng thay chim trĩ mẹ thì nay ông đã cho ấp trứng bằng máy và luôn đạt tỉ lệ nở gần 100%. Hiện tại ông Lập đang chuẩn bị mở rộng diện tích nuôi để tăng đàn thêm gấp hai lần số lượng hiện có để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Tâm cho biết : “Đây là mô hình nuôi chim trĩ quý hiếm đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện nay tại tỉnh Hậu Giang rất thành công. Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức hội thảo và tham quan, nhân rộng mô hình nầy cho bà con nông dân đi kèm với các biện pháp hỗ trợ vốn vay và kỹ thuật”. |