Thất thu hơn 4300 tỷ đồng vì thuốc lá lậu
Thuốc lá lậu không chỉ gây thất thu nguồn thuế nhập khẩu lớn, mà còn khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải lao đao, ảnh hưởng không ít đến nguồn thu ngân sách.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực từ ngày 1.5.2013. Tuy nhiên việc thực thi luật này đang gặp không ít những khó khăn do chúng ta chưa có các biện pháp hữu hiệu kiềm chế thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Làm thế nào để thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá mà ngân sách nhà nước không bị thất thu? Làm thế nào để thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho bà con nông dân vẫn được đảm bảo? Đó là những câu hỏi mà các ngành chức năng đang trăn trở để tìm lời giải đáp.
Việt Nam chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập lậu thuốc lá (ảnh minh họa).
Siết thuốc nội, thuốc ngoại càng hoành hành
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), lượng thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam đã tăng từ 636 triệu bao (năm 2007) lên đến 900 triệu bao (năm 2012) và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 930 triệu bao trong năm 2013.
Tình trạng nhập lậu này làm thất thu ngân sách 4.320 tỷ đồng, chảy máu ngoại tệ gần 450 triệu USD. Đây quả là những tổn thất không nhỏ, nhất là trong bối cảnh ngành thuốc lá đang đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông nghiệp trồng nguyên liệu thuốc lá ở các huyện nghèo thuộc các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc.
Với số lượng thuốc lá nhập lậu khổng lồ trên 900 triệu bao/năm, VN đã bị thiệt hại: Thất thu ngân sách: 4.320 tỷ đồng. Lượng ngoại tệ (tiền mặt) bị thất thoát do các tổ chức buôn lậu mua thuốc lá qua biên giới: 400 triệu USD. |
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có nhiều điều khoản siết chặt ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá nội địa để tiến tới giảm cầu như: Tạo áp lực tăng giá thuốc lá, quản lý sản lượng toàn ngành, ghi cảnh báo sản xuất trên bao bì thuốc lá bằng chữ và hình ảnh, người tiêu dùng phải thêm khoản đóng góp vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá...
Bình luận về những quy định này, giám đốc một công ty thuốc lá lớn trên thị trường (xin giấu tên) cho biết: Việc quản lý chặt hơn nữa ngành sản xuất thuốc lá là đúng, thế nhưng trong khi chưa kiểm soát được thuốc lá nhập lậu, thì việc “siết chặt” này vô tình đã tạo sân cho thuốc lá ngoại nhập lậu phát triển mạnh hơn. “Nếu năm 2013, Việt Nam không kiểm soát được thuốc lá lậu, thì có khả năng thuốc lá lậu sẽ vượt qua con số 25% trong thị phần tiêu thụ nội địa”- vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Cần mạnh tay hơn
Theo vị giám đốc doanh nghiệp nói trên, để từng bước kiểm soát thuốc lá nhập lậu, Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn. Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục đề xuất với Nhà nước một số giải pháp trong công tác chống nhập lậu; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng tham gia bắt giữ, tiêu hủy; đồng thời phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng không tiếp tay cho buôn lậu.
Đối với Nhà nước, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an... cần đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa; tìm biện pháp giúp người lao động vùng ven biên giới có công ăn việc làm để giảm bớt tình trạng người dân tham gia vào đường dây mang vác thuê cho tổ chức buôn lậu. Các lực lượng chức năng phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát và tổ chức đánh phá triệt để các tổ chức buôn lậu, bảo kê cho buôn lậu thuốc lá...
Ổn định vùng nguyên liệu thuốc lá
Theo số liệu thống kê, gần 60% nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc lá trong nước hiện nay đang phải nhập khẩu, điều đó cũng có nghĩa là mỗi năm Việt Nam phải chi ra hàng tỷ đô la Mỹ cho việc nhập nguyên liệu này. Trong khi đó, những vùng đất cằn khô ở nhiều địa phương, nơi mà đời sống người nông dân còn khó khăn, lại rất thích hợp với việc trồng cây thuốc lá. Mặc dù chiếm diện tích rất nhỏ (khoảng 0,06%) trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước, song các vùng trồng cây thuốc lá đã thực sự “chuyển mình” nhờ lợi ích kinh tế mà cây trồng này mang lại. Trên thực tế, so với các cây trồng khác, cây thuốc lá có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Chính vì vậy mà Quyết định 88/2007 do Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt “Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam” cũng nhấn mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu thuốc lá ổn định là nhiệm vụ trọng tâm. Thế nhưng, đến nay, nguyên liệu thuốc lá trong nước mới chỉ đáp ứng được 40-50% cho sản xuất. Một trong những nguyên nhân khiến vùng nguyên liệu trong nước không thể mở rộng là sự ảnh hưởng của thuốc lá lậu, khiến cho thị phần thuốc lá nội bị giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới sản xuất thu hẹp... Sản xuất nguyên liệu thuốc lá đang là ngành nghề tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 200.000 nông dân. Loại cây này đã và đang phát huy được thế mạnh so với các cây trồng nông nghiệp khác tại các vùng có tiềm năng trồng thuốc lá truyền thống; đóng góp vai trò không nhỏ trong đời sống kinh tế, xã hội của những huyện nghèo vùng sâu, vùng xa. Đầu tư cho nông dân trồng thuốc lá, các doanh nghiệp thuốc lá không chỉ quan tâm đến chất lượng nguyên liệu mà còn tìm cách đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững của vùng nguyên liệu. Theo quy hoạch của Chính phủ, từ năm 2015, tất cả các đơn vị sản xuất thuốc lá sử dụng 100% nguyên liệu thuốc lá qua chế biến. Đến năm 2020, ổn định diện tích trồng cây nguyên liệu thuốc lá khoảng 40.300ha, năng suất bình quân 2,2 tấn/ha, sản lượng 88.660 tấn/năm. Nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác nông nghiệp đạt mức tiên tiến trên thế giới, sản xuất phần lớn các loại nguyên liệu cho thuốc lá trung, cao cấp. Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc sản xuất thuốc lá vẫn phải duy trì trên cơ sở đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước, tránh nhập siêu, nhằm ổn định về giá cả. Đồng thời, đảm bảo diện tích vùng trồng theo đúng quy hoạch với sự kiểm soát của Chính phủ. Sơn Nâu |