Thanh long vàng giá cao nhưng khó bán
Huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được xem là "thủ phủ" thanh long của cả nước, với diện tích gần 15.000 ha.
Vài năm gần đây, do đầu ra và giá cả trái thanh long vỏ đỏ ruột trắng truyền thống bấp bênh, một số nhà vườn đã xúc tiến các giống mới để thay thế, như thanh long vỏ vàng, thanh long Ecuador, thanh long tím hồng, đỏ...
Ông Nguyễn Văn Vượng (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết năm 2018, nhận thấy những giống truyền thống không mang lại giá trị kinh tế như mong muốn, ông đã sang tận Israel để đưa về giống thanh long vỏ vàng về trồng. Hơn 2 năm sau, vườn thanh long vỏ vàng rộng 16 ha của ông Vượng đã cho trái tươi tốt. Tuy vậy, khâu đầu ra cho sản phẩm đến nay vẫn bế tắc. "Đến nay, trang trại tôi vẫn chưa thể xúc tiến được đầu ra xuất khẩu mà chỉ bán loanh quanh trong nước, giá lúc cao lúc thấp" - ông Vượng nói.
Anh Nguyễn Xuân Vũ, nông dân trồng thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam, lý giải việc thanh long vỏ vàng gần đây được trồng nhiều vì là giống mới lạ, ruột có màu trắng đục như tổ yến, mùi thơm như trái vải thiều và đặc biệt là dễ chăm sóc, kháng được sâu bệnh. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ loại trái cây này lại khá kén chọn. "Trái thanh long vàng chưa được bán nhiều qua Trung Quốc, mà chủ yếu xuất sang các nước Phật giáo phát triển mạnh, như Thái Lan, Myanmar, Campuchia… người tiêu dùng mua để đơm cúng. Còn lại chủ yếu được tiêu thụ trong nước" - anh Vũ nói.
Một vườn thanh long vàng đang thu hoạch tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CHÂU TỈNH
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, địa phương hiện có khoảng 100 ha thanh long vỏ vàng, ruột trắng được người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch. Giống thanh long này ban đầu được một số doanh nghiệp địa phương nhập từ nước ngoài về trồng thử nghiệm, sau đó nhiều hộ dân mua lại giống đưa về trồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa ưa chuộng loại thanh long này nên đầu ra bấp bênh. "Địa phương chưa có cơ chế khuyến khích phát triển giống thanh long này nên người dân cần cẩn trọng, không phát triển ồ ạt" - ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, khuyến cáo.
Đáng chú ý, không chỉ ở Bình Thuận mà một số địa phương ở ĐBSCL cũng đang nở rộ loại thanh long vỏ vàng này. Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (tỉnh Long An), cho biết có 1 xã viên trồng khoảng 1 ha thanh long vỏ vàng nên HTX hỗ trợ tiêu thụ với mức giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Do xã viên canh tác tốt nên sản phẩm có mẫu mã đẹp, ruột ăn ngon nên HTX dựa trên lịch thu hoạch của vườn để chào bán cho các khách quen chứ không có hàng thường xuyên. Do thanh long vỏ vàng chủ yếu bán nội địa, xuất khẩu rất ít nên khi thu hoạch rộ, việc bán hàng khá khó khăn. Do vậy, HTX không có chủ trương mở rộng diện tích mà chỉ tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã để giữ thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, nêu nhược điểm của thanh long vỏ vàng là cây không tự thụ phấn được, người trồng phải tốn công đi thụ phấn cho cây vào ban đêm nên năng suất không bằng thanh long truyền thống và giá thành cao hơn. "Với mặt hàng này, nếu nhà vườn có đầu ra ổn định, chắc chắn vẫn có thể mở rộng diện tích nhưng nếu chỉ trồng theo người khác rồi bán cho thương lái thì rất rủi ro" - ông Trịnh nói.
Lá dong sau Tết vẫn được nhiều khách hàng đặt mua, dân buôn cho biết thời điểm này hàng không đủ để trả đơn cho khách.
Nguồn: [Link nguồn]