Thanh long rớt giá thảm hại, 2.000 đồng/kg vẫn không có người mua
Thanh long bán với giá rẻ như cho, nhưng cũng không có người thu mua, người trồng khóc ròng khi hàng trăm tấn đang đến độ chín.
Những ngày nay, người dân tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang đứng ngồi không yên khi hàng trăm tấn thanh long đến độ chín rộ nhưng rớt giá thê thảm, không bán được, phải hái bỏ đi.
Thanh long chỉ bán với giá 2.000 đồng/kg nhưng không có người mua
Bà Đặng Thị Hường (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) nghẹn lời khi những ngày qua chỉ bán được 3 triệu đồng cho 3 tấn thanh long, tính ra chỉ khoảng 1.000 đồng/kg. "Mọi chi phí cho 500 gốc thanh long hết hơn 30 triệu, vậy nhưng khi bán chỉ được 3 triệu đồng, không đủ tiền thuê nhân công hái. Người dân ai cũng lo lắng, bán thì không ai mua" - bà Hương chua xót.
Nhiều quả đã hư, người trồng đành vứt bỏ
Ông Nguyễn Văn Ba, vườn bên cạnh cũng đau xót khi giá thanh long đang ở ngưỡng 15.000-20.000 đồng/kg nhưng nay rớt thê thảm chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí thương lái còn kỳ kèo xuống 1.500/kg. Trong khi đó, thanh long ruột trắng thì không ai chịu mua, để lâu bị hư, người dân phải hái mang đi vứt. "Trong nhiều năm trồng thanh long, lần đầu tiên thanh long lại rớt thể thảm đến vậy, công sức của người dân bao tháng này nay trắng tay"- ông Ba nghẹn lời.
Hiện có vài trăm tấn thanh long vẫn chưa bán được
Theo ông Ba thì những năm trước đây, với 400 gốc, nguồn thu từ 100 đến 150 triệu đồng, nhưng nay chỉ được vài triệu đồng. "Giá có 1.500 đồng cũng phải bán thôi, nếu không chỉ có nước bỏ đi, được đồng nào hay đồng đó" - ông nói.
Một thương lái thu mua cho biết hiện nay các vựa xuất đi Trung Quốc đã đầy hàng, người dân muốn bán cũng không có nơi thu mua, phải thanh long đẹp lắm thì mới bán được với giá khoảng 5.000 đồng, còn không chỉ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Với lý do kho xuất sang Trung Quốc đã đủ hàng, người dân phải bán với giá rẻ như cho
Được biết, toàn huyện Xuyên Mộc hiện có gần 200 ha thanh long ở 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng. Chính quyền địa phương cũng đang lo lắng khi liên hệ với một số nhà máy nhưng không thể nhận hàng do kho đã đầy.