Thanh Hóa: Quá xót cho 100ha đất làm muối bị bỏ hoang vì ô nhiễm
Nghề muối gắn bó bao đời nay với người dân xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa). Nhưng giờ đây, gần 100 trăm ha diện tích làm muối bị bỏ hoang vì ô nhiễm.
Mất nghề vì đất ô nhiễm
Trong cái nắng như thiêu như đốt cuối tháng 5, cánh đồng muối ở xã Hải Bình tịnh không một bóng người, cỏ mọc um tùm, mương dẫn nước đen kịt, các nhà kho đựng muối xiêu vẹo, đổ nát… Người dân cho biết, đã 5 - 6 năm nay, cánh đồng muối này không thể sản xuất vì ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Khải đứng trước đồng muối bị bỏ hoang ở xã Hải Bình huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức
Nhìn cánh đồng muối tiêu điều xơ xác, ông Nguyễn Văn Khải – Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn Tân Hải chua xót nói: “Hàng trăm năm nay, ông cha chúng tôi đã gắn bó với nghề truyền thống này. Thông thường, những ngày này, ruộng muối nơi đây tấp nập, tiếng cười nói râm ran khắp cánh đồng, nhà có bao nhiêu người đều ra đồng làm muối hết. Thế nhưng, khoảng gần chục năm trở lại đây, muốn làm cũng chẳng được bởi đất bị ô nhiễm hết rồi”.
Bà Lê Thị Cư - trú cùng thôn Tân Hải nhớ lại: “Thời đang ăn nên làm ra, hàng năm gia đình tôi cũng làm ra được chục tấn muối, trừ các chi phí mỗi năm gia đình tôi cũng thu cỡ vài chục triệu đồng”.
Nhưng những năm gần đây, một số công ty chế biến thủy hải sản mọc lên, các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn ra đời đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông nước biển. Thêm đó là bụi bặm, nước thải cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng đến diện tích sản xuất muối. Cánh đồng muối buộc phải bỏ hoang!
Mỗi năm hỗ trợ hơn 5.000 đồng/m2
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu UBND huyện Tĩnh Gia hỗ trợ thu nhập sản xuất muối cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công một số các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Cụ thể, năm 2012 các hộ dân được hỗ trợ 4.320 đồng/m2; năm 2016 là 5.150 đồng/m2 diện tích (căn cứ vào giá thị trường nên được điều chỉnh theo từng năm). UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ cho đến khi có phương án giải quyết.
Ông Mai Xuân Châu – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tĩnh Gia cho biết: “Hiện nay, toàn huyện Tĩnh Gia có 3 xã có diện tích đồng muối phải bỏ hoang tương tự như xã Hải Bình, gồm: Hải Thượng 38,5ha; Hải Hà 34,5ha và Hải Bình 36,15ha. Nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm môi trường, bụi bặm khi thi công các công trình. Bên cạnh đó, việc hút cát để san lấp mặt bằng của các nhà máy khiến nước biển không thể vào các ruộng muối nên không thể sản xuất”.
Ông Lê Xuân Tiêm, ở thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình, bộc bạch: “Khi những cánh đồng muối mất đi, người còn trẻ còn có thể vào các khu công nghiệp, nhưng những người lớn tuổi khó tìm được việc làm. Hiện nay, những người có tuổi như tôi chẳng biết làm gì để sinh sống ngoài tiền hỗ trợ đời sống thu nhập từ sản xuất muối cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Còn đất mà mất nghề, đau xót lắm!”.
“Mỗi sào đất muối, chúng tôi sản xuất một năm cũng thu về hơn 10 triệu đồng, nhưng hiện nay chỉ được hỗ trợ hơn 2,5 triệu đồng. Chúng tôi mong địa phương kêu gọi đầu tư để doanh nghiệp xây dựng nhà máy, xí nghiệp trên phần đất đồng muối đang bỏ hoang để tránh lãng phí, có quyết định thu hồi đất dứt điểm” - ông Nguyễn Văn Khải nói.
Hải Bình không còn diện tích đất muối để canh tác Theo báo cáo của Phòng NNPTNT của huyện Tĩnh Gia: Năm 2014, tổng diện tích sản xuất muối toàn huyện là 153,3ha trong đó xã Hải Bình 29ha; năm 2015, toàn huyện có 108,3ha thì xã Hải Bình còn 10ha ; đến năm 2016, diện tích sản xuất muối toàn huyện chỉ còn 72ha thì xã Hải Bình không còn diện tích đất muối để sản xuất. |