Thanh Hóa: Nuôi con "sinh tinh" như nuôi bò, bán 2 triệu 1 lạng nhung
Qua học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, năm 2017, bà Thịnh Thị Nga (49 tuổi) trú tại thôn 3, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu xây dựng chuồng trại, thực hiện mô hình nuôi hươu sao sinh sản bán giống và lấy nhung.
Trước khi đến với nghề nuôi hươu, bà Nga từng nuôi nhiều con và trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá là mấy. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ biết được mô hình nuôi hươu sao, bà nhận thấy nghề nuôi hươu sao dễ như nuôi trâu bò mà giá trị kinh tế đem lại rất cao.
Để có đất mở trang trại, bà Nga mạnh dạn đấu thầu diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của xã Nga Tiến để quy hoạch xây dựng trang trại chăn nuôi hươu sao. Sau đó, bà quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố với diện tích hơn 100m2 , khoảng 11 ô chuồng.
Bà Nga mua 8 con giống hươu sao trưởng thành, trong đó có 5 con hươu đực để lấy nhung và 2 con cái sinh sản về nuôi thử với số tiền vốn bỏ ra hơn 100 triệu đồng. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng đàn hươu phát triển tốt và sinh sản ra nhiều cá thể hươu mới.
Bà Thịnh Thị Nga đang chăm sóc đàn hươu sao của gia đình tại thôn 3, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn.
Dẫn phóng viên đi thăm quan mô hình, bà Nga cho biết, nuôi hươu sao không khó nhưng phải nắm được đặc tính của chúng để dễ bề chăm sóc. Đồng thời cần quan tâm tới chế độ ăn, uống cho đàn hươu, nghỉ dưỡng, thay đổi thời tiết, thức ăn thức uống sạch sẽ.
Theo bà Nga, mỗi ngày, một con hươu ăn 7kg cỏ, đối với những con chuẩn bị lên nhung thì cho ăn tinh bột bắp như ngô non đang vào sữa, gạo nếp. Ngoài ra, còn cho hươu ăn thêm mít, chuối, đu đủ, các loại củ, quả, thân cây chuối ...
Về chuồng trại nuôi hươu lại càng đơn giản, xây tường và dùng thanh gỗ xẻ mịn bao quanh, có mái che mưa, nắng, mùa hè thoáng mát, mùa đông che bạt kín tránh gió, giữ ấm cho hươu. Trong trại nuôi hươu nên ngăn ô, mỗi ô khoảng 8 – 10 m2, nhốt một con tránh để nai húc nhau, sàn cao có rãnh nhỏ thoát nước, tạo độ thoáng để bề mặt sàn luôn sạch sẽ.
Chuồng nuôi hươu không cần quá rộng, chỉ cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại, chạy nhảy.
Hươu cho lộc mỗi năm một lần, trung bình mỗi một con đực trưởng thành sẽ cho khoảng 6 lạng nhung, cá biệt có con hươu cho hơn 1kg nhung. Hiện tại nhung hươu được bán với giá khoảng 2 triệu đồng/lạng, nhẩm tính một con hươu bình quân cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/năm. Với 6 con hươu đực, gia đình bà Nga có thể thu về khoảng trên dưới 60 triệu đồng trong vụ lộc hươu năm nay.
Theo bà Nga, so với các loại gia súc được nuôi phổ biến hiện nay như trâu, bò, dê.... thì hươu sao dễ nuôi hơn. Hươu rất ít khi mắc bệnh, lâu lâu có thể bị khô mũi hoặc bị cảm. Đặc biệt, loài hươu này hầu như cái gì nó cũng ăn được, từ cỏ đến lá cây và thậm chí rau củ quả trong vườn nó đều ăn được hết.
”Trong thời kì hươu ra nhung cần phải bổ sung tinh bột vào khẩu phần ăn hàng ngày để chúng ra nhung đẹp và có thành phần dinh dưỡng cao” bà Nga chia sẻ về kinh nghiệm nuôi hươu, kỹ thuật nuôi hươu lấy nhung.
Mùa cắt nhung hươu bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 6 âm lịch, nhưng rộ nhất vào khoảng tháng Giêng-Hai. Hươu cho lộc 1 lần/năm với sản lượng trung bình khoảng 6 lạng nhung/con, cá biệt có con hươu cho hơn 1kg nhung.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, bà Nga cho hay, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt... Ngoài ra còn có nhiều tác dụng khác đặc biệt với nam giới như sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ... Vì vậy nhung hươu được rất nhiều gia đình lựa chọn mua về sử dụng.
“Với đầu ra ổn định, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình này, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kĩ thuật cho bà con địa phương mong muốn ‘khởi nghiệp’ từ hươu, nhằm giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, bà Nga cho hay.