Than tồn kho lớn vẫn nhập khẩu mạnh: Bộ Công thương, TKV nói gì?
8 tháng ngành than nhập về 9,7 triệu tấn, vượt xa dự báo; trong khi 9 tháng đầu năm 2016, toàn ngành tồn kho gần 12 triệu tấn, trong đó Tập đoàn TKV tồn gần 11 triệu tấn…
Theo quy hoạch Chính phủ thông qua đầu năm 2016, số lượng than nhập khẩu về Việt Nam trong năm nay mà Bộ Công thương và Tập đoàn TKV đưa ra khoảng 3 triệu tấn than dành cho các nhà máy nhiệt điện, nhưng thực tế con số này đã tăng gấp 3 lần, có phải ngành than và Bộ Công thương đã không lường trước được nhu cầu, dẫn đến hiện tượng “vỡ trận” về nhập khẩu không?
Trả lời câu hỏi này tại tọa đàm “Nhập khẩu than và an ninh năng lượng quốc gia”, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, câu chuyện nhập khẩu 8 tháng nhập về 9,7 triệu tấn cao hơn số dự toán xây dựng quy hoạch là 3 lần, trước hết chúng ta phải đưa về một chuẩn, một hệ quy chiếu để so sánh.
“3 triệu tấn này chúng tôi chưa tính đến những nhà máy điện BOT và các nhà máy đã nhập khẩu than trước đây, chưa phản ánh những hộ tiêu thụ khác như nhập khẩu than giai đoạn mới ngoài điện còn phải nhập cho hộ xi măng, phân bón, hóa chất…. Như vậy, giai đoạn 2016 – 2020, khối lượng than cần nhập do thiếu cho các hộ tiêu thụ khác cũng tương đương như khối lượng nhập khẩu than cho điện. Nếu tính ra cũng tầm trên 8 triệu tấn.
Trong 9,7 triệu tấn bao gồm than cho điện, than cho các hộ khác nên dự báo 3 triệu tấn than nhập khẩu cho điện không phải gấp 3 lần. Nếu xem lại số tồn than của 8 tháng 2016 và số nhập khẩu thì 2 con số đó xấp xỉ bằng nhau. Như vậy, nếu không có than nhập khẩu vào thì hoàn toàn chúng ta tiêu thụ hết số lượng than sản xuất trong nước".
"Dự báo như thế là cũng sát và tất nhiên dự báo cũng có sai số và sai số nằm trong sự cho phép”, ông Thọ nói.
Nhập khẩu than khoảng 10 triệu tấn, vượt xa với con số dự báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì cho hay: 6 tháng đầu năm 2016, thị trường than trên thế giới giá xuống “đáy” nên lượng than nhập về tăng rất nhanh, đặc biệt than cho các hộ như xi măng hay các hộ lẻ khác.
TKV nhập than loại chất bốc cao, lưu huỳnh thấp để trộn với than còn tồn kho, nhất là than khu vực miền Tây, than Vàng Danh (Uông Bí) có chất bốc thấp thì mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhưng, vì sao giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu thời gian qua, ông Thọ lý giải là do yếu tố kỹ thuật, điều kiện khai thác của ngành than, đa số các mỏ khai thác dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước.
“Từ 1/7/2016, thuế tài nguyên tăng trung bình 3 lần, đối với than hầm lò tăng từ 7 lên 10%, than lộ thiên tăng từ 9 lên 11%. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác, bản chất cũng là thuế tài nguyên đã tăng đối với khai thác hầm lò lên 2% và khai thác lộ thiên tăng lên 14%, nếu so với các nước trong khu vực chúng ta đang cao hơn từ 7-10%, đây là một trong các yếu tố làm tăng giá than sản xuất trong nước”, ông Thọ nói.
Còn theo vị Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV thì có 4 nguyên nhân khiến giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu. Đó là, sản lượng nguồn cung thế giới tăng cao, trong điều kiện kinh tế sau khủng hoảng tài chính suy giảm kinh tế tăng trưởng chậm nhiều nước đã phải điều chỉnh giảm thuế nên khả năng cạnh tranh, giá các nước so với chúng ta cũng có chênh lệch.
Đối với ngành khoáng sản nói chung khi điều kiện khai thác khó khăn, thị trường khó khăn thì thường tập trung vào những nơi có điều kiện thuận lợi hơn nên khi đó, giá thành phải hạ xuống để phù hợp với thị trường để bán được. Còn ở Việt Nam thì điều kiện khai thác khó khăn hơn cùng với nhiều chi phí thì giá thành than trong nước có sự khác so với giá thế giới. Trình độ khai thác, cơ giới hóa, trình độ quản lý của nhiều nước tốt hơn Việt Nam.
Mặt khác, do phải đăng ký dài hạn về vận tải, cơ sở hạ tầng, không khai thác không tiêu thụ vẫn phải trả tiền trong 5 năm, 10 năm…. nên bắt buộc phải tiệu thụ dù giá có thấp.
Liên quan đến câu chuyện xuất khẩu than, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục năng lượng cho hay, theo quy định, than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và không phải cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh. Đối với hoạt động kinh doanh than là vừa xuất khẩu và nhập khẩu than. Chúng ta chỉ xuất khẩu những chủng loại than trong nước chưa sử dụng hết hoặc chưa có nhu cầu sử dụng, được quản lý bằng kế hoạch.
“Hàng năm, Bộ Công thương trên cơ sở tính toán cân đối cung cầu trên nguyên tắc đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong nước, còn lại xem xét báo cáo Chính phủ. Hàng năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xuất khẩu năm cho các doanh nghiệp”, ông Thọ nói.
Lãnh đạo TKV cho hay, việc xuất khẩu than giúp Tập đoàn mở rộng thị trường, từ đó thúc đẩy được sản xuất góp phần tăng trưởng trong những năm qua.
“Nếu như so với khi thành lập Tập đoàn 1995 thì sản lượng đã tăng gấp 7 lần và năng suất tăng gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, từ gần 1.000 tỷ đã tăng lên 33.000 tỷ. Đóng góp ngân sách trước đây khoảng 300-400 tỷ đồng/năm thì nay là 13.000-16.000 tỷ đồng/năm. Có những năm xuất khẩu đã giúp ngành than bù đắp giá than trong nước bán thấp hơn giá thành vào các hộ điện, xi măng, phân bón…. khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng/năm”, ông Biên cho biết thêm.
Ngoài ra, theo ông Biên, so với 10 năm trở lại đây thì 9 tháng đầu năm 2016 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành than, vừa do yếu tố giá cả, thị trường than nhập khẩu tăng cao nên gây sức ép cho than sản xuất trong nước. 9 tháng đầu năm 2016, toàn ngành tồn kho gần 12 triệu tấn, trong đó Tập đoàn TKV tồn gần 11 triệu tấn. Dự kiến năm nay, sản lượng than sản xuất trong nước sẽ giảm vài trăm tấn so với năm 2015.