Thâm nhập “thiên đường đồ Nhật” dưới gầm cầu Thăng Long
Tận dụng khoảng đất trống dưới gầm cầu Thăng Long (Hà Nội), “siêu thị đồ cũ” Nhật Bản đã được hình thành, tồn tại suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, mặt trái của siêu thị này chính là việc gây ảnh hưởng đến an toàn công trình cầu, an toàn giao thông.
Mỗi lần nhập về cả trăm tấn hàng hóa Nhật
Giới thu mua đồ cũ của Nhật từ lâu đã quen thuộc với cái tên Đinh Văn Nam - Chủ sở hữu của kho hàng đồ cũ Nhật Bản lớn nhất nhì Thủ đô. Theo một chủ buôn đồ nội địa Nhật Bản cũ ở Hà Đông, Đinh Văn Nam là người có thâm niên trong nghề, am tường về nhiều loại máy móc, hàng hóa Nhật Bản và đặc biệt có thể “bao sân” thị trường số lượng lớn với đa dạng các mặt hàng. Không chỉ ở khu vực Hà Nội, nhiều chủ mối buôn đồ Nhật ở các tỉnh phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… cũng biết đến danh tiếng của Nam và thường đến xưởng của người đàn ông này “đánh hàng”.
Theo chân người mua, chúng tôi khá ngạc nhiên khi xưởng của ông chủ này chỉ quây tôn, lấn chiếm một khu vực gầm cầu Thăng Long để làm nơi lưu trữ và buôn bán hàng hóa. “Thiên đường đồ cũ Nhật” là khu vực rộng đến cả trăm mét vuông, đổ bê tông kiên cố, quây tôn 4 phía, kéo dài từ trụ B7 – B9 của gầm cầu Thăng Long. Nơi đây được nhiều người gọi với cái tên “cửa hàng Nam Huệ”. Tại đây, cả trăm tấn máy móc cũ bày ngổn ngang được chủ cơ sở giới thiệu là hàng nội địa Nhật Bản với đủ loại từ máy khoan, máy bơm nước, máy phát điện đến điều hòa, tủ lạnh, máy giặt. Nhiều loại máy nhỏ như máy cắt, máy hút bụi thì chất đống. Ba kệ hàng lớn được dựng lên song song để bày bán những loại máy móc, để khách hàng có thể thuận tiện lựa chọn.
Khu xưởng này cũng có gần chục nhân công phụ trách công việc khuân vác, lau dọn và sửa chữa các loại máy móc. Nhiều hàng cũ về nhưng chỉ cần qua công đoạn lau rửa, tân trang lại đã trở nên bắt mắt. Trong vai một mối buôn muốn nhập hàng số lượng lớn, chúng tôi được chủ cửa hàng là anh Đinh Văn Nam giới thiệu: “Hàng ở đây 100% là hàng nội địa Nhật nên cứ yên tâm về chất lượng. Bên mình mỗi lần về cả trăm tấn hàng nhưng cứ đăng lên Facebook là mọi người biết đến và qua lấy hàng, sau mấy ngày là vãn”.
Qua khảo giá, dù là đồ cũ nhưng các loại máy móc ở đây có giá không hề rẻ. Một chiếc máy cắt đời cũ có giá gần 2.000.000 đồng, những loại máy giặt, tủ lạnh cũ cũng có mức giá dao động từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng. Ngoài cánh cổng tôn sắt nhiều ô tô, xe máy của các chủ mối buôn đồ Nhật cũ dựng ngang dọc, bên trong cảnh lựa hàng tấp nập diễn ra. Chỉ vào chiếc máy khoan một khách hàng trung niên đang cầm trên tay, ông chủ cửa hàng cho biết sản phẩm đó đã được sản xuất từ năm 1972 nhưng giờ vẫn “dùng ngon lành”.
Bác Hưng, chủ một cửa hàng ở Nam Định lên nhập hàng cho biết: “Tôi xuống nhập thêm vài chục cái máy cắt, máy khoan về bán. Mặt hàng này rất chạy. Dân mình cứ nghe giới thiệu hàng nội địa Nhật là yên tâm và “xuống tiền” ngay”. Anh Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang chọn cho gia đình một chiếc máy hút bụi cũ cũng chia sẻ, anh biết đến cửa hàng này qua một fanpage trên Facebook có tên là “Kho máy Nhật bãi” và quyết định đến để “săn” được hàng chất mà giá lại rẻ.
Bất lực trước tình trạng lấn chiếm gầm cầu
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn cầu Thăng Long đã diễn ra một số năm gần đây. Nhiều hộ dân bất chấp nguy hiểm tự ý lấn chiếm khu vực gầm cầu để làm khu vực kinh doanh, buôn bán. Biên bản của chính quyền địa phương cũng chỉ rõ, tại trụ cầu B33, hộ bà Nguyễn Thị Hằng (Hải Bối, Đông Anh) đã tự ý hàn 4 khung kèo sắt thép vào trụ cầu, dầm cầu để làm nhà hàng kinh doanh. Tại trụ cầu B20 – B21, ông Nguyễn Hữu Tiến, là một cán bộ ở xã Hải Bối cũng san gạt và đổ bê tông vi phạm trái phép trong phạm vi gầm cầu dẫn đường sắt Bắc Thăng Long. Hai hộ này đã bị lập biên bản vi phạm vào thời điểm tháng 10/ 2016.
Đại diện Công an xã Hải Bối cho biết: “Chúng tôi có nắm được những hoạt động buôn bán dưới khu vực gầm cầu Thăng Long. Đây là khu vực thuộc địa bàn xã Hải Bối nhưng lại nằm trong phạm vi quản lý, bảo vệ khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt của công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái, vì vậy chúng tôi không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề này. Nếu công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái có đề xuất sang UBND xã thì chúng tôi mới có thể tiến hành xử lý”.
Tuy vậy, trong buổi trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Duy Út, cán bộ phòng kỹ thuật (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái) – Đơn vị được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt trên khu vực cầu Thăng Long lại cho biết: “Chúng tôi bắt đầu phát hiện hành vi buôn bán rầm rộ mặt hàng máy móc, thậm chí đổ bê tông, quây tôn hình thành kiểu kho xưởng ở trụ B7 – B9 tại khu vực gầm cầu Thăng Long vào thời điểm tháng 9/2016. Nhận thấy đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ cầu Thăng Long, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản xử phạt và gửi báo cáo đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan”.
“Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái đã gửi báo cáo liên quan việc vi phạm này đến 5 cơ quan: UBND xã Hải Bối, UBND huyện Đông Anh, Đồn Công an Bắc Thăng Long, Phòng Thanh tra an toàn đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Báo cáo đề nghị các bên liên quan phối hợp để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn khu vực cầu Thăng Long. Thế nhưng đã hơn một năm trôi qua, ngoài Phòng Thanh tra an toàn đường sắt Việt Nam có một lần xuống lập biên bản vi phạm của chủ hộ kinh doanh này, 4 cơ quan còn lại không có bất kỳ phản hồi nào cho công ty chúng tôi”, ông Út nói. Vì Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái không thể tiến hành cưỡng chế, giải tỏa nên buộc phải chờ sự phối hợp của chính quyền địa phương. “Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc, tiến hành giải tỏa khu vực này chúng tôi cũng không có giải pháp nào khác”, ông Nguyễn Duy Út bất lực.
Sẽ truy xuất nguồn gốc hàng hóa Tiếp nhận thông tin phản ánh của PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Lựu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 9 (địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi sẽ cử cán bộ khẩn trương thâm nhập, thu thập thông tin về hoạt động buôn bán hàng hóa dưới chân cầu Thăng Long. Nếu thấy dấu hiệu vi phạm, đội sẽ gửi văn bản đề nghị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra và truy xuất hàng hóa để xác minh rõ nguồn gốc, xuất xứ”. |