Thâm nhập chợ trời lớn nhất châu Âu

Nằm ở ngoại ô thành phố cảng Odessa của Ukraine, “7km” được biết đến là chợ trời lớn nhất châu Âu. Sở dĩ có tên “7km” bởi chợ gồm những chiếc container xếp chồng lên nhau dựng san sát trên đoạn đường dài 7km và có diện tích tương đương 110 sân bóng đá. Nơi đây được coi là “thiên đường” của hàng cướp biển và hàng lậu.

200.000 khách tới chợ mỗi ngày

Được thành lập năm 1989, chợ mở vào khoảng 4h sáng và đóng cửa vào khoảng 15h chiều hàng ngày. Chợ có khoảng 16.000 tiểu thương và đội ngũ nhân viên hùng hậu, chủ yếu là bảo vệ, gồm 1.200 người. Mỗi ngày, khu chợ này thu hút 200.000 khách tới mua hàng với tổng trị giá hàng hóa tiêu thụ lên tới 25 triệu USD. Họ không chỉ đến từ các vùng ở Ukraine mà còn cả ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Nga, các nước Đông Âu và châu Phi. Hầu hết đều mua sỉ rồi mang bán lại. Điều đáng nói khu chợ này không được bao vây hay bảo vệ bởi các bức tường hay hàng rào xung quanh, cũng như không yêu cầu khách hàng và người bán khai báo về quốc tịch, thị thực hay tình trạng cư trú.

Chợ “7km” cũng cách trung tâm thành phố Odessa gần 7km. Không giống như một trung tâm mua sắm sang trọng, khi tới đây, khách hàng phải vác hàng trên vai lách qua những lối đi hẹp, bẩn thỉu giữa các container bằng thép trưng bày hàng đống các sản phẩm giá rẻ. Tại khu chợ này kinh doanh tất cả các loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, đồ trang sức, mỹ phẩm, đồ da, đồ gốm, phụ tùng ô tô, xe máy, đồ nội thất và đồ lưu niệm...

Vào đây, khách hàng rất dễ bị lạc nếu không để ý màu sơn của những chiếc container dùng để phân khu. Người Ukraine, Bulgaria và Nga thường bán các mặt hàng như xà phòng giặt, nước hoa và mỹ phẩm, người Trung Quốc bán quần jeans, người Thổ Nhĩ Kỳ chuyên bán quần áo da, người châu Phi bán giày thể thao còn người Afghanistan bán các hàng điện tử…

“Thiên đường” của hàng lậu

Những sạp hàng là container này có thể được mua bán như “bất động sản” với giá tăng từ 1.000USD cuối thập niên 90 lên 240-250 nghìn USD năm 2007. Những người chủ container có thể thuê người bán rồi trả phần trăm cho lượng hàng bán được. Nếu người nào có máu kinh doanh, chấp nhận rủi ro, có thể thuê lại container để mở gian hàng riêng. Trong trường hợp này, họ có thể thua lỗ hoặc lãi lớn.

Như trường hợp của Tayo Abraham, 28 tuổi người Nigeria. Cách đây 5 năm, anh bỏ lại vợ ở Nigeria, lên đường tới thành phố cảng Odessa của Ukraine bên bờ Biển Đen. Tayo thuê hai chiếc container rồi chồng lên nhau thành một cửa hàng dã chiến. Bên dưới là mấy kệ giày, còn container bên trên là kho hàng để bán buôn cho khách hàng lớn đưa sang thị trường khác. Lấy một đôi giày thể thao từ gian hàng của mình, Tayo cho biết, đôi giày với logo 3 sọc nổi tiếng của Adidas nhưng thực chất nó là hàng lậu với giá chỉ 12 euro.

Không chỉ vậy, Tayo còn bán giày da cá sấu mang thương hiệu nổi tiếng Lacoste với giá chỉ 15 euro. Giá thuê một container khoảng 300 USD/tháng và thuê mặt bằng là 1.000 USD/tháng. Nhưng mỗi tháng Tayo vẫn có thể kiếm được 1.200 USD sau khi trừ mọi chi phí, gấp 3 lần thu nhập trung bình của người dân thành phố Odessa. Trong mùa Euro 2012 vừa qua, gian hàng của Tayo luôn nườm nượp khách với các sản phẩm giày, dép… trang trí logo của giải đấu và hình hai bông hoa mang màu cờ hai nước đồng chủ nhà Ba Lan - Ukraine. “Chúng tôi không biết có bao nhiêu hàng giả trên thị trường”, Giám đốc kinh doanh của UEFA, Thibaut Potdevin cho biết, “vì vậy thật khó để ước tính thiệt hại”.

Khó dẹp bỏ

Ban quản lý chợ “7km” cho biết, khu chợ này tạo ra hàng nghìn việc làm và đóng góp một phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chợ trời này chủ yếu buôn bán hàng cướp biển và hàng lậu. Tayo cho biết, dân buôn cung cấp hàng cho anh nói rằng họ đã hối lộ cho lực lượng chức năng ở cảng. Hàng từ khu chợ “7km” không chỉ bán tại Ukraine. Những kẻ buôn lậu sẽ chuyển số lượng lớn hàng đến khu vực ly khai Transnistria - dải đất giữa Moldova và Ukraine, cách thành phố Odessa khoảng 80km - vốn được coi là “thiên đường” của dân buôn lậu. Từ đây, hàng sẽ được đưa tới Moldova, sau đó tuồn vào Romania và các nước khác tại châu Âu.

Theo tạp chí “Tấm gương” của Đức, khu chợ này tồn tại được ở Odessa nhờ có sự hỗ trợ từ các nhân vật có ảnh hưởng trong lực lượng cảnh sát và chính quyền địa phương. Ông Oleg Kolesnikov, một trong những người ủng hộ sự tồn tại của chợ “7km”, là thành viên Hội đồng thành phố Odessa.

Theo trang Othermarkets.org, vào năm 2009, bà Yulia Timoshenko, Thủ tướng Ukraine lúc đó từng yêu cầu phải dừng ngay việc buôn lậu, nếu không sẽ đóng cửa chợ, dẫn đến các thương nhân bị tổn thất tài chính nặng nề. Cuối cùng, Tổng thống Viktor Yushchenko khi đó, tới thăm chợ và một số thỏa thuận được thiết lập. Mặc dù chi tiết thỏa thuận không được tiết lộ, có tin đồn rằng, ông Yushchenko tới thăm chợ hai tháng 1 lần và bỏ túi 20 triệu USD mỗi lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN