Thái Lan thống lĩnh bán lẻ và tiêu dùng trong M&A
Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) có quy mô lớn từ 30 triệu USD trở lên trong nửa đầu năm qua đều có bóng dáng của nhà đầu tư ngoại, trong đó riêng các nhà đầu tư Thái Lan đang thống lĩnh phân khúc bán lẻ và hàng tiêu dùng.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Diễn đàn mua bán sáp nhập (M&A) 2016 cho biết đi đầu trong các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng. Tuy không có nhiều thương vụ diễn ra nhưng ngành sản xuất thực phẩm và bán lẻ lại có những thương vụ tỉ đô với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại. Tất cả đều muốn chiếm một miếng bánh trong thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp Thái thống lĩnh phân khúc bán lẻ và tiêu dùng.
Chuỗi hệ thống siêu thị BigC đã về tay người Thái
Thống kê của KPMG Việt Nam, trong 10 thương vụ M&A tiêu biểu nửa đầu năm 2016, riêng lĩnh vực lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng đã có tới 3 thương vụ đạt giá trị giao dịch lớn nhất thuộc về nhà đầu tư Thái Lan. Thương vụ đáng chú ý nhất là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1.140 tỉ USD với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt.
Một thương vụ tỉ đô khác đó là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỉ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery.Trước đó, một tập đoàn khác đến từ Thái Lan là TCC Holding cũng mua đứt chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam của Tập đoàn Metro Cash & Carry International (Đức) với giá 695 triệu USD.
Năm ngoái, một nhà đầu tư khác của Thái Lan là Power Buy cũng mua 49% cổ phần của doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim với giá 200 triệu USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới. Bởi một thị trường trên 90 triệu dân với dân số trẻ, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng rất được quan tâm. Và khi rót vốn vào Việt Nam, các nhà đầu tư không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn nhắm đến thị trường rộng lớn hơn trong Cộng đồng kinh tế ASEAN với 600 triệu dân với lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh.
Riêng trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cũng còn triển vọng rất lớn, những doanh nghiệp có tiếng trong nước như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoàivà sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.