Thái Bình: Trên nuôi thỏ, dưới nuôi giun, lãi 20 triệu mỗi tháng

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhờ bí quyết tự làm thức ăn riêng của mình mà đàn thỏ thương phẩm của gia đình ông Vũ Xuân Thọ (60 tuổi, trú tại khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) luôn khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước đây khi chưa “bén duyên” với con Thỏ, ông Thọ từng làm nhiều nghề, trồng nhiều loại cây, con nhưng không có hiệu quả kinh tế cao. Cuối cùng, sau nhiều lần tìm hiểu ông Thọ cũng đã mạnh dạn bàn với vợ chọn đưa con thỏ trắng New Zealand nuôi thử nghiệm. Và kết quả thật bất ngờ, dù mới đưa vào nuôi nhưng giống thỏ New Zealand này đã giúp cho ông có thu nhập ổn định ngay.

Thái Bình: Trên nuôi thỏ, dưới nuôi giun, lãi 20 triệu mỗi tháng - 1

Nhờ nuôi thỏ mà gia đình ông Vũ Xuân Thọ trú tại khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có thu nhập ổn định lên đến 20 triệu đồng/tháng.

Đến thăm khu chăn nuôi gần 2.000 con thỏ của gia đình ông Thọ, chúng tôi không thấy có mùi khó chịu như một số nơi nuôi thỏ thông thường. Lý giải về điều này, ông Thọ cho biết, toàn bộ chất thải của thỏ đều được tận dụng làm thức ăn cho giun quế nên mùi hôi hám không còn.

Cũng theo ông Thọ, nhờ phương pháp nuôi kết hợp lạ mà hay này giúp cả 2 loài vật nuôi đều phát triển và sinh trưởng tốt. Phân thỏ được thải trực tiếp xuống nền chuồng, sau đó sẽ trở thành thức ăn và tạo thành môi trường lý tưởng cho con giun quế phát triển. Ngoài bán giun quế, phân giun quế còn được dùng để bón cho rau xanh, cỏ voi để lấy làm thức ăn xanh cho đàn thỏ.

Cũng nhờ cách nuôi này mà ông Thọ giải quyết tốt được vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi thỏ và có thêm nguồn thu nhập từ nuôi giun quế.

Nhờ đặc tính phân hủy chất thải là phân thỏ thành phân hữu cơ của giun quế mà cải thiện môi trường, giúp thỏ nhanh lớn và hạn chế bị các loại bệnh thông thường ở thỏ nuôi như nấm hay ghẻ. “Nuôi giun quế bên dưới chuồng thỏ tiết kiệm được khá nhiều công vệ sinh chuồng trại, tránh gây ô nhiễm môi trường. Cái hay là ngoài thu nhập từ bán thỏ, tôi có thêm thu nhập 30 triệu đồng/năm từ bán giun quế cho các hộ chăn nuôi gia cầm...”, ông Thọ nói thêm.

Chia sẻ với báo điện tử Dân Việt, ông Thọ cho biết, năm 2014, khi nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cho hiệu quả kinh tế khá thì ông lại chuyển từ nuôi gà, vịt, ngan sang nuôi thỏ - một nghề còn mới mẻ đối với nhiều nông dân địa phương.

“Việc nuôi gia cầm tuy cho lợi nhuận tốt nhưng cũng đầy rủi ro vì dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi luôn tăng cao và đầu ra không ổn định. Qua nghiên cứu sách báo và một số mô hình nuôi thỏ, tôi thấy việc nuôi con thỏ này chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển đổi mô hình chăn nuôi”, ông Thọ nhớ lại.

Thái Bình: Trên nuôi thỏ, dưới nuôi giun, lãi 20 triệu mỗi tháng - 2

Giun quế được dùng làm thức ăn giàu dinh dưỡng bổ sung đạm cho vật nuôi và phân giun quế là loại phân hữu cơ vi sinh cao cấp dùng làm phân bón rất tốt cho các loại cây trồng.

Khởi nghiệp từ 50 con thỏ làm vốn, nhận thấy đây là loại vật dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao nên ông tiếp tục mở rộng mô hình. Sau gần 5 năm gắn bó với nghề nuôi thỏ, đến nay quy mô nuôi thỏ của gia đình ông Thọ đã lên tới hàng nghìn con, trong đó luôn duy trì hơn 140 con thỏ cái.

Với 140 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm 1 thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt 2,5-3kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trại thỏ của ông Thọ để thu mua. Hàng tháng trại thỏ của ông xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng gia đình ông lãi 20 triệu đồng.

Thái Bình: Trên nuôi thỏ, dưới nuôi giun, lãi 20 triệu mỗi tháng - 3

Cận cảnh khu chuồng chăn nuôi thỏ kết hợp với nuôi giun của gia đình ông Vũ Xuân Thọ.

Bật mí về cách tự làm thức ăn nuôi thỏ cho lãi cao, ông Thọ cho hay, qua quá trình tìm hiểu ông nắm được nhu cầu dinh dưỡng của thỏ. Qua đó, ông tự mài mò nghiên cứu làm thức ăn riêng cho đàn thỏ của mình bằng cách phối trộn cỏ voi, cám ngô, cám gạo rồi ép thành viên cho thỏ ăn.

Cách làm này giúp ông Thọ kiểm soát được lượng dinh dưỡng khẩu phần thức ăn và giảm được chi phí mua thức ăn chăn nuôi, không quá phụ thuộc vào thị trường. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại nuôi thỏ New Zealand bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tiêm đủ các mũi vắc-xin theo định kỳ từ khi thỏ được 1 tuần tuổi trở lên.

Nói thêm về con thỏ, ông Thọ cho hay, giống thỏ New Zealand là một giống thỏ có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon, hấp dẫn…Trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand một năm đẻ được từ 6-9 lứa, mỗi lứa khoảng 6-8 con. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng hơn 4 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,3kg/con là có thể xuất bán được.

Anh thợ sửa ôtô đam mê nuôi chim, mỗi tháng lãi 15-20 triệu đồng

Nhờ dám nghĩ, dám làm, đầu tư mô hình nuôi loài chim bồ câu Pháp - loài chim "tình yêu", anh chàng vốn là thợ sửa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN