Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Với niềm đam mê, anh Trương Tiến Hải (SN 1976, hiện là Cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa) đã nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng thành công, thu lãi gần 300 triệu đồng/năm.

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm - 1

Việc chọn giống vịt Cổ Lũng hết sức quan trọng khi vịt con không được hở rốn, sức đề kháng tốt.

Tự lai tạo con giống

Mặc dù có bằng Thạc sỹ chuyên ngành nghiên cứu thủy sản nhưng anh Trương Tiến Hải (SN 1976, trú khu phố Thành Bắc, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, hiện là Cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) lại có niềm đam mê với việc nghiên cứu phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng của xứ Thanh.

Anh kể: Ngay từ khi đang còn công tác giảng dạy và là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu trường Đại học Hồng Đức, anh đã lên vùng đặc sản vịt Cổ Lũng ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để mua giống về và tự tay mình lai tạo giống thuần chủng với tỷ lệ 1 trống, 5 mái.

Vịt được nhốt trong 1 ô và sau khi vịt đẻ trứng thì đánh dấu riêng mang đi ấp. Cứ như vậy, sau mỗi lần thì anh lại đổi trống sang chuồng khác. Qua 6 lần đổi (mỗi lần đổi 1 tháng), lấy trứng đi ấp, khi nở nuôi lớn và thực hiện lai giống lại như ban đầu. Sau khi trải qua 5 tháng sẽ chọn ra cá thể xuất sắc nhất để chọn giống thuần chủng.

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm - 2

Theo anh Hải, việc chọn giống đưa vào sinh sản cực kỳ quan trọng trong việc chọn trứng đủ tiêu chuẩn màu sắc và cân nặng...

Anh Hải cho biết: “Từ cuối năm 2012, tôi đã tìm tòi, học hỏi để nghiên cứu lai tạo giống vịt Cổ Lũng, mong muốn bảo tồn giống gen quý của loài và cuối năm 2013 thì tôi đã đạt được kết quả như mong muốn”.

Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống ra có màu sắc đồng nhất 95 - 97%, hình dáng cổ to và ngắn, chân ngắn, vịt trống có đầu màu xanh và có khoang cổ, vịt mái có màu sẻ và khoang cổ, sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng tăng so với con vịt cũ là 1,8kg so với 1,3 kg.

Sau khi kết quả lai tạo được giống thuần chủng vịt Cổ Lũng, anh cho nhân đàn và phân phối, bán lại cho các trang trại, các hộ gia đình và công ty ở các khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm - 3

Giống vịt được anh Hải lai tạo ra có độ chính xác hơn 90% và màu sắc đồng nhất.

Cũng theo anh Hải, khâu chọn giống đưa vào sinh sản cực kỳ quan trọng trong việc chọn trứng đủ tiêu chuẩn màu sắc, cân nặng, khi trứng nở thành con non thì chọn con không bị hở rốn và không bị bệnh tật mang nuôi để phát triển nhân đàn.

Thu lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm

Sau khi lai tạo được giống thuần chủng và cung cấp con giống ra thị trường, vào tháng 3/2016 anh Hải quyết định đầu tư, vay mượn hơn 1 tỷ đồng thuê gần 4.000 m² đất ở phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa để mở trang trại nuôi giống vịt Cổ Lũng đặc sản này.

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm - 4

Mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường khoảng hơn 3.000 vịt thịt.

Thời gian ban đầu anh nuôi đàn bố mẹ giống là 200 cá thể đã qua lai tạo, chọn lọc thuần chủng để nuôi phát triển đàn cũng như tự tạo con giống hoàn toàn cho trang trại.

Theo anh Hải thì từ khi vịt nở đến lúc xuất chuồng mất khoảng 4 tháng 15 ngày.

Khâu thức ăn cũng hết sức quan trọng, ban đầu vịt 1 tuần tuổi thì cho vịt ăn cám mảnh với độ đạm 25%. Sau đó, cho vịt ăn cám viên từ tháng thứ 2 trở lên, bắt đầu từ tháng thứ 3 thì cho ăn với tỷ lệ 30% ngô, 30% lúa, cám, từ tháng thứ 4 thì lại chuyển sang cho ăn theo chế độ 40% ngô, 40% lúa, 20% cá sau đó say nhuyễn ủ lên men rồi cho vịt ăn.

Mấy tháng cuối thì anh Hải cho vịt ăn thêm rau xanh để cho vịt đỡ bị mỡ, vịt chắc hơn, thịt thơm hơn và luôn giữ được trọng lượng bình quân khi xuất chuồng đối với vịt trống là 1,8-2,2kg, vịt mái là 1,6kg.

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm - 5

Thịt vịt Cỗ Lũng được nhiều người lựa chọn khi thịt thơm, dai và không có mỡ

Hàng năm, gia đình anh cung ứng gia thị trường khoảng hơn 3.000 con vịt thịt với giá 80.000 đồng/kg.

Không chỉ bán vịt thịt mà trang trại của anh cũng cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 5.000-7.000 con giống với giá 12.000-13.000 đồng/con, có thời điểm giá con giống lên đến 18.000 đồng/ con, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh Hải thu về khoảng 250-300 triệu đồng từ nuôi vịt Cổ Lũng.

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm - 6

Không chỉ phát triển vịt Cô Lũng, anh Hải còn đang nghiên cứu lai tạo nhiều loại khác...

Hiện tại, anh Hải cũng đang nhân giống lai tạo giống gà rừng, gà kha thầy, gà Đông cảo... và làm mô hình nuôi hàng chục lồng, bè cá trên sông Mã và đập Đồng Bể ở huyện Triệu Sơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Nghị (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN