Thả nổi chất lượng rau quả nhập khẩu

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng rau, quả nhập khẩu vào nước ta trong những năm gần đây liên tục tăng lên. Song việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đối với mặt hàng này đang rất bị động, gần như thả nổi, nhất là đối với rau, quả nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhập từ gia vị đến rau xanh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu trong 3 tháng đầu năm 2011 tổng trị giá các mặt hàng rau, quả ngoại nhập chỉ 56,09 triệu USD, thì 3 tháng đầu năm 2012, đã tăng lên tới 71 triệu USD. Đáng chú ý, lượng rau, củ quả nguồn gốc Trung Quốc (TQ) nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều, chiếm hơn 50% tổng lượng rau, quả so với các thị trường khác.

TQ hiện là nơi cung cấp rau, quả tươi trọng yếu cho thị trường Việt Nam. Mùa nào thức ấy, rau, quả từ biên giới phía Bắc đổ về khắp các tỉnh, dù là miền núi hay thành phố lớn. Không khó để nhận ra rau, quả TQ với đầy đủ chủng loại, từ củ tỏi, nhánh gừng, miếng măng chua đến rau xanh, hoa quả.

Rau, quả TQ chủ yếu được nhập khẩu về qua ngả Lạng Sơn, Lào Cai, rồi đổ về các chợ đầu mối Long Biên, Lê Đức Thọ (Hà Nội), hay chợ đầu mối Tam Bình, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), từ đó được đưa đi phân phối khắp các tỉnh, thành. Bà Sành - một chủ sạp bán hoa quả ở chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Đã ra đến chợ Long Biên thì đừng hỏi rau, quả trong nước. Làm gì có ổi Hải Dương với táo, lê trong nước, toàn hàng từ Lạng Sơn, Lào Cai “đánh” về”.

Thả nổi chất lượng rau quả nhập khẩu - 1

Hàng rau củ đang được tập kết ở Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) để đưa sang Lào Cai (Việt Nam)

Kiểm tra chất lượng rau, quả bằng… cảm tính

Liên tục trong những năm gần đây, rau, quả TQ đã bị phát hiện ngay tại nơi sản xuất là có sử dụng các hóa chất độc hại, gần nhất là trường hợp cải thảo trồng tại tỉnh Sơn Đông bị nhiễm formaldehyde... Sau mỗi lần có thông tin như vậy, các cơ quan chức năng của VN mới rục rịch đi… lấy mẫu để phân tích, rồi lại thông báo “không phát hiện” chất độc hại.

Xem lại năng lực các phòng kiểm nghiệm

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, kết quả phân tích của nhiều phòng thí nghiệm không chính xác, cùng một mẫu kiểm tra tại các phòng thí nghiệm lại cho kết quả khác nhau... Do đó, chúng ta cần phải kiểm tra lại năng lực của các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm này.

Thanh Xuân

Cụ thể, như trường hợp cải thảo vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tiến hành lấy 74 mẫu cải các loại, trong đó 22 mẫu rau cải có nguồn gốc từ TQ để truy tìm chất formaldehyde. Kết quả, có 10 mẫu phát hiện có dư lượng formaldehyde (dưới ngưỡng cho phép).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại bất kỳ cửa khẩu nào hiện đều có các trạm kiểm dịch thực vật. Các trạm này vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, vừa thực hiện kiểm tra về ATTP.

Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay hay bến cảng của chúng ta hiện nay đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc cũng như con người có thể phân tích các chỉ tiêu về ATTP”.

Do đó, theo ông Hồng, việc kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu, sân bay… đối với rau, quả vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường sinh nghi, mới lấy mẫu gửi về 2 phòng phân tích đặt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra và phải ít nhất 7 ngày sau mới có kết quả.

“Vì thời gian để phân tích một mẫu rau, quả kéo dài, trong khi nông sản tươi không để lâu ở cửa khẩu, phải cho lô hàng lưu thông ngay sau đó. Nếu 7 ngày sau, kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, hoặc phát hiện chất cấm, thì lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn” - ông Hồng cho biết. Điều đó, có nghĩa là chúng ta chỉ biết được chất lượng rau, quả sau khi đã… tiêu thụ hết và chỉ kiểm tra được lô hàng sau đó.

Kiểm dịch ở cửa khẩu đã yếu, khâu kiểm dịch nội địa còn yếu hơn cả về phương tiện và con người. Một chuyên gia về BVTV đánh giá: “Thông thường, một xe tải rau, quả được chở từ Lào Cai về thẳng Hà Nội, từ đây chủ hàng sẽ xé lẻ cho các đầu mối buôn, rồi các đầu mối này lại tiếp tục đưa về các chợ Hà Nội hoặc vận chuyển về các tỉnh. Không ai có thể kiểm soát được hàng hóa đi đâu, về đâu, chất lượng ra sao. Cho nên, kiểm dịch nội địa có cũng như không”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN