Tết Việt ăn gạo ngoại
Nhiều gia đình không tiếc tiền mua gạo ngoại để dành ăn Tết vì cho rằng chất lượng ngon hơn hẳn gạo nội.
Những ngày cuối năm, tại một siêu thị ở quận 7 (TP HCM), chị Đoàn Thị Hoa săm soi kỹ từng nhãn hàng gạo trên kệ, sau đó quyết định chọn mua một túi 5 kg. Đây là loại gạo nhập chính thức từ Thái Lan, được đóng gói trong túi PE, có nhãn phụ tiếng Việt với giá xấp xỉ 50.000 đồng/kg. Chị cho biết trong một lần đi sự kiện về du lịch Thái Lan, được tặng một 1 kg gạo Thái đựng trong hộp rất đẹp. Khi về nấu thử thấy thơm, dẻo vừa phải và ngon hơn hẳn những loại gạo thơm lài, thơm Thái trước giờ hay ăn.
“Bữa cơm sum họp ngày Tết không thể thiếu những món ngon nên tôi muốn tìm loại gạo thật ngon để cả nhà thưởng thức. Giá tuy có cao nhưng vẫn ở trong khả năng chi trả nếu so với những đặc sản ngày Tết khác” – chị Hoa phân tích.
Trong các dòng gạo ngoại, có lẽ gạo Campuchia là được người Việt ăn nhiều nhất do được cung cấp rộng rãi từ các đại lý cho đến các cửa hàng thực phẩm cao cấp và giá tương đối mềm.
Gạo giống Nhật Bản trồng tại Việt Nam được bán tại một chuỗi bán lẻ nước ngoài
Chị Cẩm Hồng (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cho biết vừa mua 50 kg gạo Campuchia từ mối quen để ăn dịp Tết. “Thương lái ở miền Tây mua lúa từ Campuchia về trữ, sau đó xay xát để bán dạng xá nên giá chỉ 19.000 – 20.000 đồng/kg. Gạo Miên nấu lên rất ngon cơm do trồng giống dài ngày, không hoặc sử dụng rất ít phân thuốc” – chị Hồng nói.
Chủ cửa hàng thực phẩm C.Đ (Trần Quý Khoách, quận 1, TP HCM), nơi cung cấp gạo Campuchia từ “vùng thiên nhiên”, với giá tối đa 27.000 đồng/kg (sản phẩm được đóng gói hút chân không), cho biết bán hàng tốt hơn vào dịp Tết. Người dân ngày càng thích gạo lúa mùa 6 tháng, cơm ngon ngọt hơn nếu không bị thương lái pha trộn. Nhóm khách hàng là những người kỹ tính trong việc chọn thực phẩm trước nhiều thông tin về thực phẩm bẩn.
Cùng với gạo Thái, Campuchia thì gạo Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian gần đây cũng được giới nhà giàu ưa chuộng. Gạo Nhật, Hàn thường có hạt tròn, dẻo, được nhiều người nhận xét là chất lượng cơm ở khoảng giữa gạo và nếp. Giá bán các loại gạo này khá đắt đỏ, trên 100.000 đồng/kg nhưng nhiều người không tiếc tiền mua để làm những món đặc trưng như cơm sushi.
Trong nhóm các loại gạo ngoại, thị trường gần đây còn có thêm gạo Ấn Độ hạt dài được giới thiệu phù hợp với người tiểu đường và được bán tại các hệ thống bán lẻ ngoại hoặc trên mạng xã hội.
Quay lại gạo Việt Chị Mai Ngọc, nhà ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) từng là “tín đồ” của gạo ngoại 2 năm trước, cho biết đã chuyển sang gạo thương hiệu trong nước vì cảm thấy quá “phí tiền”. Theo chị, do khu vực sinh sống có nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản nên gạo nước họ cũng được mang sang phục vụ. “Trước đây mình ăn gạo xá, thấy gạo ngoại đóng gói, hút chân không nhìn rất thu hút và an tâm. Khi nấu ăn thấy lạ miệng, ngon cơm nhưng giá bán quá đắt, từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/kg. Sau đó, đi nhiều hội chợ nông sản thấy doanh nghiệp làm gạo trong nước có sự cải tiến vượt bậc, cả về hình thức lẫn chất lượng nhưng giá mềm hơn rất nhiều, chỉ từ 20.000 đồng – 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, gạo Việt đa dạng chủng loại, phù hợp từng khẩu vị, mẫu mã ngày càng đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng gạo ngoại về Việt Nam giá cao không hẳn vì chất lượng mà do phải “gánh” nhiều chi phí nên quyết định quay lại gạo nội” – chị Ngọc nhìn nhận. |