Tết Đoan Ngọ: Tiểu thương vội bán, khách vội mua
Do thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh COVID-19, nên hoạt động mua - bán của người dân TPHCM sáng Tết Đoan Ngọ diễn ra đều rất chóng vánh.
Nhiều người tranh thủ đi buổi chợ sớm trong ngày tết Đoan Ngọ do lo ngại dịch bệnh phức tạp
Sáng 14/5, tại nhiều chợ truyền thống như Bà Hoa (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Hòa Bình (Q.5)... tiểu thương bày các loại bánh trái cúng Tết Đoan Ngọ phục vụ khách mua.
Các loại bánh tro, cơm rượu, chè, bánh gai... được bày bán ở các quầy hàng. "Giá từ 15.000-25.000 đồng/chục như mọi năm thôi nhưng vắng khách mua, do dịch nên khách ngại đến chợ, chúng tôi có một số mối quen nên giao tận nhà" - một tiểu thương ở chợ Bà Hoa nói.
Theo ghi nhận, cảnh mua bán khá vội vàng và cũng ít trò chuyện hơn trước giữa người bán và người mua. Giá được niêm yết trên bảng, khách mua bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. "Dịch mà, không chỉ ngại tiếp xúc gần, chúng tôi còn hạn chế trò chuyện" - chị Thu (ngụ Q.Tân Bình) chia sẻ.
Hoa trưng Tết Đoan Ngọ cũng được bày bán nhiều hơn, các loại cúc, ly... Đà Lạt về đầy chợ. Trước tết, chợ hoa Đầm Sen được mở lại 3 ngày nên nhà vườn trồng hoa ở Lâm Đồng đưa hàng xuống khá nhiều, giá bán từ 20.000-25.000 đồng/bó.
Các loại trái cây không tăng giá dịp này. Trong đó vải có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg; chôm chôm, xoài... 15.000 đồng/kg... "Dù là ngày chính của tết nhưng người mua khá vắng, chúng tôi cũng không lấy trái cây nhiều do sợ ôm hàng. Thành phố đang có nhiều nơi phong tỏa, cách ly nên khách không đi chợ mua sắm cho dịp tết này được" - chị Hà (chợ Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân) cho hay.
Các loại cơm rượu, chè... đóng hộp sẵn bày đầy bàn đang chờ khách mua. Giá từ 25.000-50.000 đồng/hộp tùy lớn nhỏ.
Lá xông là mặt hàng không thể thiếu trong dịp tết này. Trong bó lá có xương rồng, lá bưởi, khuynh diệp, lá liễu... theo quan niệm dân gian, treo bó lá này trước cửa nhà dịp tết Đoan Ngọ có tác dụng trừ tà, đem lại may mắn cho gia chủ.
Nhiều người mua 2-3 bó về treo khắp phòng.
Trái cây bày bán đầy chợ nhưng khá thưa khách
"Mỗi năm có một ngày Tết Đoan Ngọ nên tôi tranh thủ đi chợ sớm để mua hàng cho vắng khách - một khách hàng ở Q.Bình Thạnh cho hay.
Tính đến nay, TPHCM đã phong tỏa hơn 300 điểm trên địa bàn do liên quan đến COVID-19, 22/22 quận huyện và TP Thủ Đức đều có ca dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, TPHCM còn xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây. Do đó người dân hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]
Thay vì đi chợ cóc gần nhà theo ngày, ngày càng nhiều người đổ ra chợ đầu mối mua thực phẩm với giá rẻ. Bằng cách...