Tết cận kề, làng mộc nức tiếng xứ Nghệ rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có
Khác với cảnh tấp nập kẻ bán người mua dịp sát Tết, năm nay làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng (xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có.
Cảnh đìu hiu chưa từng có ở làng nghề mộc nức tiếng xứ Nghệ.
Làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng (xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là 2 làng nghề có từ lâu và nức tiếng với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú mẫu mã, chất lượng tốt.
Sản phẩm chủ yếu của 2 làng nghề này với đầy đủ từ bàn ghế, đồ gia dụng, giường, tủ, bàn thờ đến đồ thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm đa dạng từ mức giá trung bình đến cao cấp.
Khác với cảnh tấp nập kẻ bán người mua như dịp sát Tết những năm trước, dịp này 2 làng nghề Thuận Giang và Nam Thắng rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có.
Cả dãy cửa hàng nằm trục chính đường vào xã Quỳnh Hưng vốn tấp nập kẻ bán người mua nay vắng hoe người.
Tranh thủ quét dọn lớp bụi phủ trên những sản phẩm trưng bày ở cửa hàng, anh Phạm Công Lực (Chủ một xưởng mộc, cửa hàng bán) cho hay, những năm trước dịp sát Tết là dịp bán hàng chạy nhất. Khách hàng chủ yếu đến mua giường, bàn, tủ. Đặc biệt, bàn thờ, bộ đồ thờ cũng được khách mua nhiều dịp Tết. Tuy nhiên năm nay khách vắng, thưa thớt. Thỉnh thoảng mới có vài khách đến xem hàng, hỏi mua.
“Khách vắng chưa từng có. Chưa năm nào ế ẩm như năm nay. Cả năm khách chỉ rải rác ít ỏi. Dịp Tết là dịp bán được hàng nhất thì nay cũng đâu có khách”, anh Lực vừa lắp vít ốc chiếc bàn gỗ vừa buồn rầu nói.
Những năm trước khách mua hàng đông, anh Lực phải thuê thêm nhiều thợ về đóng bàn ghế, sản phẩm và thuê cả người bán hàng. Năm nay ế ẩm, anh Lực bớt nhân công làm ở xưởng mộc. Các sản phẩm cũng được sản xuất cầm chừng. Còn ở cửa hàng, anh Lực vừa quản lý, vừa bán hàng, vừa giao cho khách nếu cần.
“Tết các năm trước, chúng tôi phải thuê thêm thợ làm cả ngày đêm đến tận 23 tết vẫn không kịp hàng. Dịp tết, khách mua nhiều nhất là các đồ như bàn thờ tổ tiên, ông tài, ông địa. Năm nay sản xuất ra nhiều thì tồn kho, không có khách mua dù mẫu mã đẹp, mới”, anh Lực chia sẻ.
Anh Phan Trọng Hải (SN 1987, trú xã Quỳnh Hưng) cho hay, anh đã có 10 năm kinh nghiệm làm nghề mộc tại các cơ sở ở xã. Những năm qua lượng khách mua đông nên công việc anh phải làm liên tục và nhiều. Đặc biệt dịp Tết anh phải làm tăng ca liên tục. Năm nay, khách mua ít, khối lượng công việc anh phải làm ít hơn, đồng nghĩa tiền nhận về sẽ ít hơn.
"Trước thì có thợ phụ, làm liên tục. Nay thì chỉ một mình làm thong thả. Một cái kệ mình đóng trong vòng 2 ngày, tính ra mỗi ngày công khoảng 500-600 nghìn đồng", anh Hải nói.
Chị Lê Thị Liễu (trú xã Quỳnh Hưng) cho biết, những năm trước hàng bán chạy nên những người chuyên làm nghề đánh bóng đồ mộc như chị cũng làm không hết việc, thu nhập ổn định. Nhưng năm nay hàng làm bán không được, công việc của chị Liễu và những công nhân khác cũng thất thường, lâu lâu mới có việc làm nên thu nhập chẳng ăn thua.
Công việc làm mộc thất thường vì hàng tắc đầu ra khiến nhiều công nhân làm mộc phải bỏ nghề chuyển sang công việc khác hoặc đi xuất khẩu lao động.
Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết, trước đây toàn xã có hơn 300 hộ gia đình sản xuất đồ mộc nhưng hiện nay chỉ còn hơn 100 hộ bám trụ lại với nghề. Nghề mộc đem lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Trung bình mỗi năm doanh thu từ nghề mộc đạt trên 200 tỉ đồng, tạo ra hàng trăm việc làm tại chỗ. Tuy nhiên, năm nay doanh thu giảm nhiều do hàng sản xuất ra không bán được.
“Hàng bán không được nên hiện này nhiều hộ phải chuyển đổi nghề sang làm việc khác. Trước đây, toàn xã có hơn 800 người làm nghề thợ mộc, đánh bóng đồ mộc thì nay chỉ còn chưa đến 400 người còn việc làm”, Chủ tịch xã Quỳnh Hưng chia sẻ.
Làng bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có lịch sử hơn 500 năm đang ngày đêm đỏ lửa, tất bật cho ra những mẻ bánh thơm ngon để phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Nguồn: [Link nguồn]