“Tay đe tay búa”, người dân làng rèn thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày dịp cận Tết
Công việc thì có quanh năm nhưng bận rộn nhất là những tháng cuối năm khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, các đơn đặt hàng dao thái, dao chặt,... lại tăng lên đột biến. Thu nhập của người dân nhờ đó cũng tăng đáng kể.
Nằm bên cạnh dòng sông Nhuệ, làng rèn Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vốn là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc bộ.
Làng rèn Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vốn là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc bộ
Nhiều năm về trước, dao kéo Đa Sỹ nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tiếng lành đồn xa, người Lào, người Campuchia cũng tìm về tận Đa Sỹ để mua hàng. Nhờ đó, cả làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa cùng những đơn hàng nặng trĩu, thấm đẫm mồ hôi được gửi đi mỗi ngày.
Mùa hè cũng như mùa đông, người dân làng rèn Đa Sỹ vẫn làm việc bên lò than hồng rực
Ngày nay, dù bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, người dân làng dao Đa Sỹ vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống lâu đời.
Công việc thì có quanh năm nhưng bận rộn nhất là những tháng cuối năm khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, các đơn đặt hàng dao thái, dao chặt,... lại tăng lên đột biến.
Cận Tết Nguyên đán, các đơn đặt hàng dao thái, dao chặt,... lại tăng lên đột biến
Có mặt tại làng rèn vào tháng Chạp, chúng tôi mới cảm nhận hết sự tất bật của những người lao động nơi đây.
Tiếp phóng viên khi các âm thanh của đe của búa chan chát bên tai, nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc (71 tuổi) - thợ rèn cao tuổi có tay nghề tinh xảo bậc nhất làng Đa Sỹ chia sẻ: “Làng này có truyền thống rèn từ cả nghìn năm trước. Cả làng cùng làm thì thành nghề thôi. Từ ông tôi, bố tôi rồi giờ đến con tôi cũng làm nghề rèn. Dù là con nhà nòi nhưng phải đến năm 18 tuổi, tôi mới được rèn con dao đầu tiên. Vì ở độ tuổi ấy, người ta mới đủ sức khỏe để chịu được sự vất vả. Tuy nhiên, để trở thành một thợ giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức”.
Cơ sở làm dao của nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc (71 tuổi) - thợ rèn cao tuổi có tay nghề tinh xảo bậc nhất làng Đa Sỹ
Kể về những công đoạn của một người thợ rèn, nghệ nhân Mộc cho biết, bất kỳ người thợ nào ban đầu đều phải học tư thế ngồi, cách cầm búa và quai bễ. Khi đã thành thạo mới chuyển qua đánh rèn, kế đến là làm thô và khi đã có tay nghề mới được làm nguội.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc (71 tuổi) chia sẻ, để trở thành một thợ giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức
Đặc biệt, công đoạn làm nguội là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, muốn học thành thạo nghề, nếu nhanh cũng mất một đến vài năm mới có thể làm ra một sản phẩm đạt chuẩn.
Công đoạn tôi thép và làm nguội thép của thợ tại xưởng của ông Mộc
“Để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội. Mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén”, nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc giải thích.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn nổi tiếng trong làng rèn bởi những sáng tạo và cải tiến khoa học
Kế thừa truyền thống và liên tục đổi mới sáng tạo, nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn - lớp thợ rèn trẻ hơn lại nổi tiếng trong làng bởi những cải tiến khoa học, giúp tăng năng suất và chất lượng của nghề rèn. Những con dấu đóng trên sản phẩm của làng Đa Sỹ cũng ra đời từ đôi tay của người thợ nhiều sáng kiến này.
Tay áo của nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn lấm tấm vết thủng do mối hàn để lại.
Chia sẻ với phóng viên, ông Tuấn cho biết: “Tết đến, dao là mặt hàng bán chạy hơn so với những mặt hàng khác như cuốc, xẻng… Bên cạnh làm theo đơn đặt hàng, mình còn trực tiếp mang đến các chợ đầu mối, hội chợ xuân,... phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Với chất lượng sản phẩm uy tín, đảm bảo, sản phẩm từ nghề rèn Đa Sỹ được nhiều người ưa chuộng, tìm mua hơn”.
Để làm ra những sản phẩm dao hoàn chỉnh, người thợ tốn rất nhiều công sức.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng rèn, ông Tuấn chia sẻ, vào ngày giáp Tết thì tất bật lắm, có ngày làm hàng trăm con dao cho khách mà vẫn không kịp. Các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn. “Những ngày Tết chủ yếu làm dao thái, dao chặt. Mỗi ngày như gia đình tôi có thêm vài công nhân nữa cùng làm cũng trung bình từ 400 – 500 con dao. Nói chung đây là vụ thu hoạch cao nhất trong năm, nhiều khách hàng ở xa họ cũng đặt mua về để bán buôn nên nhiều khi làm không kịp”, ông Tuấn nói.
Nhiều máy móc công nghệ cao được các hộ sản xuất thay thế phương tiện thô sơ truyền thống
Cũng là một trong những cơ sở kinh doanh mạnh dạn đầu tư, thay đổi phương thức sản xuất hiện đại, cơ sở sản xuất của anh Lê Ngọc Lâm đã ứng dụng các công nghệ máy móc công nghệ cao thay thế phương tiện thô sơ truyền thống.
Nhờ đó, mỗi ngày cơ sở của anh Lâm có thể sản xuất ra gần 1.000 sản phẩm dao thái chỉ với khoảng 7 - 8 công nhân làm việc liên tục.
Nghề "Tay đe tay búa" giúp nhiều hộ gia đình làng rèn Đa Sỹ giàu lên từng ngày
Giờ đây, trong làng có hàng trăm hộ vẫn luôn “đỏ lửa” mỗi ngày. Có nhà chuyên làm dao, có nhà chuyên cung cấp vật liệu, có nhà thì mua gom sản phẩm làm thương mại. Mỗi người một công việc khác nhau.
Chia sẻ về thu nhập của công việc này, ông Mộc cho biết những tháng bình thường trong năm, xưởng của ông chỉ làm túc tắc. Tháng cuối năm, công việc bận rộn gần như kín tuần đem lại thu nhập cho mỗi thành viên lên đến 15-20 triệu đồng/tháng.
Công việc tất bật ngày cuối năm tại xưởng làm dao của anh Lâm - làng rèn Đa Sỹ
Với dao thái loại nhỏ, giá bán trung bình từ 30.000 - 80.000 đồng/con; dao chặt tùy loại từ 130.000 -150.0000 đồng/con; dao thái thuốc 800.000 đồng/con. “Các loại dao thái thuốc, dao để cắt hạt nhựa, gia đình làm chủ yếu theo đơn đặt hàng. Có những đơn hàng khách đặt vài chục chiếc, bố con làm quần quật cả tuần để kịp giao hàng thì cũng có thu nhập trên chục triệu đồng. Còn ngày thường, mình vừa làm vừa bán túc tắc, có ngày được vài chục, ngày được vài trăm nghìn đồng”, ông Mộc chia sẻ.
Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, làng nghề truyền thống Đa Sỹ hiện có trên 1.000 hộ đang duy trì nghề rèn. “So với trước đây làng nghề đã bị mai một đi rất nhiều do nghề rèn vất vả, nặng nhọc, dễ xảy ra tai nạn lao động, nên hầu hết lớp thanh niên khi lớn lên thường có xu hướng đi học đại học và chọn nghề khác đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, những người đã theo nghề thì ham lắm, không bỏ được” – ông Chính nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều nghề trên vùng đất Khánh Hòa được xem là “nghề xưa” như dệt chiếu, đúc đồng, nặn gốm…lại tất bật cuối năm.