Tập trung giải cứu DN bị “chết oan”
Giải cứu những doanh nghiệp nào và bằng cách nào đang là chủ đề nóng của đời sống kinh tế. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trao đổi về một số giải pháp cứu doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Phương án giải cứu tất cả doanh nghiệp luôn là điều tốt nhất, nhưng lại ít khả thi nhất. Vậy theo ông, nên có sự phân loại doanh nghiệp như thế nào?
Hiện có nhiều doanh nghiệp đang “chết cái chết tự nhiên”. Sẽ thất bại khi bỏ tiền của ra để giải cứu những doanh nghiệp này, vì chống lại quy luật của tự nhiên. Theo tôi, Chính phủ cần tập trung giải cứu những doanh nghiệp đang bị “chết oan” vì sự thay đổi đột ngột của chính sách điều hành lãi suất, thậm chí có nhiều doanh nghiệp đang chết theo những chủ đầu tư là Nhà nước không thanh toán đúng hạn cho các công trình. Trong đó, những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng sẽ được ưu tiên.
Sau khi phân loại, nên giải cứu doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Có rất nhiều phương án đã được thực hiện, như xử lý nợ, nhanh chóng hạ lãi suất tín dụng, giải quyết hàng tồn kho… Tuy nhiên, đây là biện pháp đòi hỏi phải có thời gian, trong khi doanh nghiệp đang “ngắc ngoải” hoặc đang “chết lâm sàng”. Nguyên tắc chung là doanh nghiệp đang mắc bệnh gì thì ta bốc thuốc bệnh đó. Chẳng hạn, cần thanh toán ngay những khoản mà Nhà nước vẫn còn nợ các doanh nghiệp, nhanh chóng cắt giảm các khoản phí và các thủ tục bất hợp lý đang chồng chất lên đầu doanh nghiệp, như thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục đất đai hiện được các địa phương tự đặt ra mỗi nơi một kiểu…
Vậy theo ông, các bộ liên quan cần có động thái cụ thể gì để cứu các doanh nghiệp?
Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải…, thay vì chỉ công bố những con số tồn kho hằng tháng, hằng quý đang tăng cao, thì phải tiến hành rà soát, tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân khiến hàng tồn kho ở ngành, lĩnh vực đó tăng. Tôi cho rằng, cần phân tích rõ hậu quả, rủi ro cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp trong ngành thì mới đưa ra được giải pháp tháo gỡ, nếu ai cũng nói khó, tồn kho cao mà không rõ nguyên nhân thì cứu sao được.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính cũng là cách cứu họ. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây không phải là giải pháp tình thế, càng không chỉ có tính chất nhất thời. Nếu duy trì một quy định hay một thủ tục hành chính phức tạp, sẽ làm nảy sinh nhiều quy định, thủ tục rườm rà khác. Rõ ràng, một thủ tục hành chính được đơn giản hóa sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ hôm nay cho đến mãi sau này.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính chẳng khác gì buộc các bộ, ngành phải dần từ bỏ lợi ích cục bộ, nên họ có phần hơi vô cảm trước những khó khăn của doanh nghiệp. Theo tôi, doanh nghiệp cũng phải tận dụng các kênh thông tin để công khai những nơi làm tốt, những nơi làm chưa tốt, thì những rào cản về thủ tục hành chính mới được gỡ bỏ, doanh nghiệp được hỗ trợ thực sự, còn nền kinh tế có cơ hội vượt qua khủng hoảng.