Tập đoàn Vinashin sẽ thành tổng công ty?

Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Chính phủ giao tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) về cho bộ quản lý với lý do để tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý với doanh nghiệp. Nếu phương án này được chấp nhận thì đồng nghĩa với việc tập đoàn Vinashin sẽ xuống cấp thành tổng công ty?

Bên kỳ họp Quốc hội, trả lời phóng viên về quan điểm của Chính phủ, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nói rằng, cái đó thì vẫn đang phải báo cáo Bộ Chính trị. Dù Vinashin đã tái cơ cấu rồi nhưng vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu thêm một bước nữa bởi hiện tại do yếu tố khách quan là tình hình thị trường chung quá kém.

Vậy tiến trình tái cơ cấu vừa qua có đạt kết quả như mong muốn không, ví dụ như khả năng năm 2013 Vinashin có thể có lãi như lãnh đạo Chính phủ từng nói trước Quốc hội?

Hiện nay thị trường còn giảm sút hơn lúc đó. Cái đó là cái khó lớn nhất cho nên không chỉ Vinashin mà tổng công ty Hàng hải (Vinalines) cũng bị ảnh hưởng, nhất là vận tải phải giảm giá dịch vụ 90%. Các hãng trên thế giới họ cũng công bố công khai đều lỗ. Thị trường không phục hồi thì còn gian nan lắm. Tất nhiên nói thế thì bên ngoài họ bảo mình hay lấy lý do khách quan, nhưng thực tiễn (bên ngoài) thì mình không tạo ra được. Ví dụ Vinashin có lúc đã ký được hợp đồng ngoại xấp xỉ 2 tỉ USD nhưng nay thì vô cùng gian nan, các anh em ở dưới tập đoàn vẫn đang phải đẩy mạnh tiếp thị, tìm thêm thị trường, như vừa mới đây đi Nam Mỹ...

Tức là khác với hai tập đoàn của ngành xây dựng (là tập đoàn Sông Đà và tập đoàn phát triển Nhà và đô thị – HUD), riêng với tập đoàn Vinashin thì Chính phủ vẫn đang chờ Bộ Chính trị xem xét quyết định?

Cái chính vẫn là Chính phủ, nhưng đang chờ Bộ Chính trị nghe để có ý kiến thêm. Song vì Vinashin vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu, nên chưa thể nói trao hay không mà phải có phương án tái cơ cấu tiếp đã.

Điều này đồng nghĩa là đến lúc này chưa rõ có giao về cho bộ Giao thông hay không?

Cái đó nói ngay rất khó. Bởi vì Chính phủ đang yêu cầu Vinashin xây dựng lại phương án tái cơ cấu, sau đó mới nghe và quyết định được, giờ nói sớm quá e chưa chuẩn. Nhưng đây không là giải pháp duy nhất mà chúng ta đang cùng lúc làm nhiều giải pháp khác nữa.

Thưa ông, Chính phủ khẳng định sẽ giảm khoảng một nửa số các tập đoàn, vậy Chính phủ có tiêu chí gì để dừng thí điểm hay tiếp tục giữ với các tập đoàn hiện nay?

Bây giờ Chính phủ phải rà soát lại, tái cơ cấu đối với từng anh một. Chính phủ đang lắng nghe từng anh một báo cáo, trên cơ sở đó sẽ đưa ra từng tiêu chí một. Ví dụ dưới tập đoàn có mô hình tổng công ty không, rồi dưới đó có công ty con, công ty cháu không… bây giờ tất cả các vấn đề đó phải rà soát lại.

Khi bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo Chính phủ sẽ giảm 5 – 7 tập đoàn đã nói rằng Chính phủ sẽ giữ lại các tập đoàn nòng cốt, các ngành thiết yếu, phó Thủ tướng có thể nói rõ hơn về các tiêu chí “vai trò nòng cốt”, “thiết yếu”?

Chủ trương chung là như thế (giữ các tập đoàn trong những lĩnh vực nòng cốt, thiết yếu như dầu khí, điện – PV), song bây giờ phải soát xét lại đã.

Nghĩa là tới đây có thêm các tập đoàn không làm được vai trò “thiết yếu”, “nòng cốt” như Dệt may, hay Bảo Việt sẽ dừng thí điểm?

Với tập đoàn Dệt may thì theo kế hoạch là cổ phần hoá, sau đó Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối, vì đây là danh mục không cần Nhà nước nắm giữ. Kết thúc cổ phần hoá Nhà nước không còn nắm giữ thì đương nhiên đã không còn là tập đoàn.

Thế nhưng với tập đoàn Bảo Việt nó lại khác, nó là đặc thù trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Tất nhiên, nói đây là lĩnh vực quan trọng, thiết yếu cũng không hẳn, nhưng là ngành mình mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài vào rất nhiều, thì Nhà nước cũng cần có một vài anh chủ chốt để khi thị trường có biến động thì còn giữ nhịp, điều phối chứ không thể để doanh nghiệp nước ngoài chi phối hết cả. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Hiếu (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN