Táo sơn tra - một thời trồng như cây dại, giờ dân lại có tiền
Bắc Yên là nơi có những vạt rừng táo sơn tra cổ thụ lớn nhất của tỉnh Sơn La, trải dài trên các triền núi cao từ 1.500m đến 2.000m so với mực nước biển. Vốn là cây mọc hoang dại, nhưng những năm qua, táo sơn tra đã và đang mạng lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con các dân tộc vùng cao nơi đây...
Cây xóa đói giảm nghèo
Bắc Yên (tỉnh Sơn La) là huyện có nhiều đồi núi cao trung bình từ 1.500m – 2.000m, khí hậu mát lạnh quanh năm, nhiều sương, đây là điều kiện thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của táo sơn tra. Ở địa hình càng cao, nhiệt độ càng thấp, táo sơn tra càng cho quả chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
Những năm gần đây, nhờ trồng táo sơn tra, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên
Vài năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ táo sơn tra đang được mở rộng, đem lại lợi ích kinh tế cho nhiều gia đình, do vậy bà con ngày càng nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ và mở rộng thêm vùng trồng mới. Táo sơn tra đang hứa hẹn là cây trồng sẽ giúp người dân vùng cao Bắc Yên xóa đói giảm nghèo.
Là một trong những hộ gia đình gắn bó lâu năm với cây sơn tra, ông Giàng A Vừ, ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú nói rằng: "Gia đình tôi có 5 ha sơn tra, trong đó 3 ha rừng sơn tra tự nhiên, 2 ha trồng cách đây 6 năm, tất cả đang cho thu quả. Năm nào cây sai quả tôi thu được 15 – 20 tấn quả, bán cho thương lái cũng được hơn 100 triệu đồng. So với trồng ngô, lúa, táo sơn tra hiệu quả kinh tế hơn nhiều."
Người dân Bắc Yên mong rằng táo sơn tra sẽ là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con xóa được đói, giảm được nghèo
Còn anh Giàng A Chinh, cùng bản với ông Vừ, là hộ đang sở hữu 30 ha rừng sơn tra, chia sẻ: "Trong số 30 ha sơn tra của gia đình tôi, hiện nay 9 ha đang cho thu hoạch. Vụ năm ngoái tôi thu được hơn 60 tấn quả, sau khi trừ chi phí cũng lãi hơn 250 triệu đồng."
Theo anh Chinh, từ khi được giao đất giao rừng, anh đã chọn cây sơn tra làm trồng chính trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình anh khá dần lên.
Bắc Yên được đánh giá là huyện có khí hậu và đất đai rất phù hợp với cho sự phát triển của cây sơn tra, đặc biệt là ở 5 xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng. Huyện Bắc Yên đang vận động người dân bảo vệ diện tích rừng sơn tra tự nhiên và mở rộng thêm vùng trồng mới, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hái, nâng cao chất lượng táo sơn tra… Đến nay, huyện Bắc Yên có gần 2.230 ha rừng sơn tra tự nhiên và rừng trồng mới, trong đó, trên 1.084 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 4.260 tấn/năm.
Đưa táo sơn tra vươn xa trên thị trường
Những năm qua, việc phát triển trồng rừng sơn tra kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến táo thành các sản phẩm rượu vang, nước ép, dược liệu… đã tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc ổn định đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Một cây táo sơn tra dày đặc những quả là quả.
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho hay: Bắc Yên là một trong những huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển của cây sơn tra. Những năm qua, huyện Bắc Yên đã lựa chọn cây sơn tra là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện cây táo sơn tra đang trở thành cây giữ đất, giữ rừng, xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ngoài ra, quả sơn tra có nhiều tác dụng sinh học có lợi cho sức khỏe người dùng nên quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ sơn tra đang được nhiều khách hàng biết đến sử dụng rộng rãi, góp phần phát triển diện tích, sản lượng của sơn tra trên địa bàn.
Mới đây, một tin vui đến với bà con trồng táo là quả táo sơn tra được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La. Đây sẽ là điều kiện để xây dựng thương hiệu sản phẩm sơn tra của Sơn La nói chung và táo sơn tra Bắc Yên nói riêng trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, góp phần nâng cao đời sống của nông dân trồng sơn tra trên địa bàn.