Tăng trần giá vé máy bay: Công ty du lịch lo khách chuộng đi nước ngoài hơn trong nước
Theo các hãng hàng không, việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để bù đắp chi phí, điều chỉnh dải giá vé nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành lại lo giá tour tăng ảnh hưởng tới ngành du lịch
Từ ngày 1-3, Thông tư 34/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông vận tải về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, trần giá vé máy bay nội địa sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng khoảng 3,75% so với hiện nay.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết việc tăng trần giá vé máy bay nội địa này là lần điều chỉnh sau gần 10 năm. Rất nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi trong thời gian đó, đặc biệt là giá nhiên liệu, các yếu tố về tỉ giá - ngành hàng không sử dụng USD phần lớn trong cơ cấu chi phí.
"Việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa từ 1-3 là điều kiện để các hãng hàng không có thể bù đắp chi phí đã thay đổi suốt gần 10 năm qua. Đây cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa" - ông Hà nói.
Du lịch nội địa lo bị ảnh hưởng khi giá vé máy bay tăng lên
Theo ông Lê Hồng Hà, ngành hàng không chỉ có đợt cao điểm Tết và cao điểm hè bù lại cho những giai đoạn thấp điểm khác.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 29-2, nhiều công ty du lịch bày tỏ lo lắng khi trần giá vé máy bay tăng, nhất là trong bối cảnh giá vé máy bay sau Tết vẫn rất cao.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và marketing - Công ty TSTtourist, cho biết việc điều chỉnh giá trần vé máy bay từ 1-3 sẽ tác động tức thì đối với các tour trong nước. Vì vậy, giá tour cũng bắt buộc phải điều chỉnh song song. Năm 2024, ngành lữ hành sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không, bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá…
"Du khách là người tiêu dùng sau cùng, họ sẽ có quyết định lựa chọn hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, qua đánh giá, giá vé máy bay điều chỉnh tăng ở mức có thể chấp nhận được" - ông Mẫn nhận xét.
Du lịch nội địa vốn đã kém cạnh tranh so với du lịch nước ngoài, nay được dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi giá vé máy bay nhích lên. Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, lo ngại du lịch nội địa bằng đường hàng không năm nay sẽ khó. Thời điểm này, dù chưa vào cao điểm hè nhưng giá vé máy bay đã tăng cao. Nhiều khách có kế hoạch đi chơi đang ưu tiên tour gần hoặc di chuyển bằng đường bộ là chủ yếu.
"Nhu cầu của khách cũng dịch chuyển sang tour nước ngoài khi giá vé máy bay cạnh tranh hơn. Đơn cử, chặng từ TP HCM đi Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang… giai đoạn tháng 3-2024 vẫn cao, như chặng TP HCM – Hà Nội giá vé khứ hồi khoảng 4,5 – 6 triệu đồng/người trong khi giá tour tầm 3,5 – 4 triệu đồng/người lịch trình 4 ngày. Tổng chi phí tour, gồm cả vé máy bay, từ 7-10 triệu đồng/người. Với mức giá này, du khách sẽ chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore nhiều hơn" - ông Huy lo lắng.
Một số công ty du lịch dự báo đối với du lịch trong nước, khả năng những điểm điểm gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao. Nếu lấy thị trường khách TP HCM làm trọng tâm thì Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Phan Rang, thậm chí Nha Trang, sẽ là lựa chọn của du khách. Trong đó, vận chuyển bằng ôtô sẽ tăng do ưu thế rút ngắn thời gian của đường cao tốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ ngày 1/3, thông tư của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ sẽ điều chỉnh mức giá trần tăng thêm khoảng 5% so với trước đây. Đáng chú ý, đây là lần điều chỉnh sau gần 10 năm.