Tăng thuế xăng dầu: Không thuyết phục!

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nâng mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ quá sức chịu đựng của nền kinh tế và không thể phụ thuộc vào giải pháp tăng thuế mỗi khi mất cân đối ngân sách.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo lần 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Điểm nổi bật tại dự thảo lần này là vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng khung thuế đối với các mặt hàng xăng dầu từ mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, tăng gấp hơn 2 lần so với khung thuế hiện hành là 1.000 - 4.000 đồng/lít (hiện thu 3.000 đồng/lít).

Bỗng dưng số chi tăng gấp đôi

Nếu như ở dự thảo lần 1, cơ quan soạn thảo nêu rất sơ sài về số thu - chi khi thực hiện Luật Thuế BVMT thì ở dự thảo lần 2, mục này được nêu rất chi tiết. Cụ thể, tại các dự thảo trước, Bộ Tài chính cho biết năm 2016, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế BVMT đạt hơn 40.000 tỉ đồng thì đã chi khoảng 12.290 tỉ đồng (đạt 1% tổng chi ngân sách). Trong cả giai đoạn 2012-2016, chi BVMT khoảng 52.142 tỉ đồng (chiếm khoảng 1/2 số thu), bình quân chi khoảng 10.000 tỉ đồng/năm.

Tăng thuế xăng dầu: Không thuyết phục! - 1

Tăng thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu sẽ tăng gánh nặng đối với người dân Ảnh: TẤN THẠNH

Còn tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính nêu rõ tổng thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số chi cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn này lên đến 131.875 tỉ đồng. Tính bình quân mỗi năm, chi NSNN cho nhiệm vụ BVMT (bao gồm các khoản vay, viện trợ hoặc chi đầu tư phát triển…) bình quân khoảng 26.371 tỉ đồng/năm, cao hơn so với số thu thuế BVMT bình quân 21.197 tỉ đồng/năm.

Cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ các khoản chi BVMT trong giai đoạn này gồm có tổng số chi thường xuyên cho BVMT là khoảng 89.131 tỉ đồng, riêng chi thường xuyên từ NSNN (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT (không quá 1% tổng chi NSNN) là khoảng 52.420 tỉ đồng… Tổng số chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở 2 ngành tài nguyên - môi trường; ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu... là khoảng 24.246 tỉ đồng. Số chi từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa... là khoảng 18.480 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẳng định việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao hoặc các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững… cũng là nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT.

Giảm chi để cứu ngân sách

Bình luận về dự thảo, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng lý lẽ của cơ quan soạn thảo không thuyết phục. "Trước đây, dư luận thắc mắc về việc tăng thu thuế BVMT, chi cho BVMT thế nào, vì sao chi ít? Thế nên, Bộ Tài chính sửa đổi bằng cách "xoáy" vào chi BVMT. Nhưng số liệu lại tăng cao như vậy là không rành mạch, chỉ tìm mọi cách "dắt trâu qua rào" thôi chứ không thuyết phục" - ông Lưu Bích Hồ nói.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng trong bối cảnh ngân sách khó khăn, thu thuế tài nguyên đã rất cao rồi, chỉ còn dư địa tăng thu từ tài sản, BVMT thì cũng nên đề cập trực diện đến khó khăn này. Vấn đề dư luận băn khoăn là khi được thông qua, thuế xăng dầu có bị đẩy lên cao quá hay không. Nếu tăng thuế lên kịch khung 8.000 đồng/lít sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của nền kinh tế. Xét trên bình diện vĩ mô thì khó có cách giải quyết khác nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào giải pháp tăng thuế mỗi khi mất cân đối ngân sách. Quan trọng là phải giảm bội chi mới "cứu" được cân đối ngân sách. Nếu chi không giảm, tăng thu bao nhiêu, vay mượn bao nhiêu cũng không thể đủ.

Ở góc độ tài chính, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh không bình luận về việc có cần thiết phải tăng thu thuế BVMT đối với xăng dầu hoặc mức khung đề xuất có cao hay không. Thay vào đó, ông cho rằng viện luận giải chi BVMT để giải thích tăng thu là không cần thiết, không đúng bản chất của thuế. Bởi thuế có tính chất không đối khoản. Số tiền thu được từ thuế vào NSNN sẽ chi dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, không nhằm đáp ứng một khoản chi cụ thể. Còn thu từ mục đích nào chi cho mục đích đó là bản chất của phí.

Cơ sở để tăng thuế bảo vệ môi trường

- Thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do).

- Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Cụ thể, theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8-5, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng thứ 44 trong 170 nước (tính từ thấp đến cao). Trong đó, Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93.

- Tỉ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu ma dút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%, Nga khoảng 52%, Mỹ khoảng 53%, Thái Lan khoảng 67%...).

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Góc nhìn

TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):

Không thể mãi "giật gấu vá vai"

Vấn đề thuế cần nhìn vào bức tranh lớn hơn. Đây là bài toán về nguồn thu trong bối cảnh thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải giảm, phải cạnh tranh giữa các nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thuế thu nhập DN đã giảm từ 25%-26% còn 20% trong khu vực. Nguồn thu giảm rất nhiều từ xuất nhập khẩu do hội nhập kinh tế trong khi chi tiêu nhà nước bành trướng, hiệu quả kém. Như vậy, nhà nước phải tìm nguồn thu mới, trong đó có thuế.

Để có sắc thuế mới là rất khó vì người dân thường phản đối quyết liệt. Vì vậy, tìm cách đánh thuế BVMT vào các sản phẩm xăng dầu vì nhiều người sử dụng trên diện rộng để hiệu quả của sắc lệnh cao là một giải pháp.

Có thể thấy cơ quan nhà nước không còn nguồn ngân sách nữa, thâm hụt ngân sách thì nợ công sẽ tăng. Đây là một điều rất xấu với nền kinh tế GDP mới đạt hơn 2.000 USD/đầu người mà nợ công đã gần đến mức 65% GDP. Trong khi đó, Thái Lan có GDP gấp đôi chúng ta nhưng tỉ lệ nợ công chỉ bằng một nửa, khoảng 30%. Dư địa của họ rất lớn, nền tài chính rất lành mạnh. Cho nên, nếu phải tăng đánh thuế thì chỉ là "giật gấu vá vai" để giải quyết tình hình khó khăn trước mắt. Trong bối cảnh hiện nay, đó là cách để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Trong dài hạn phải tính đến giải pháp bền vững. Một là giảm nguồn chi để giảm sức ép từ nguồn thu. Muốn vậy, cần tăng hiệu quả của nhà nước, Chính phủ, bộ máy làm việc có hiệu quả không? Cần tăng hay giảm nhân sự để ổn định? Hai là có được tăng trưởng kinh tế thực. Người dân ai cũng nỗ lực làm việc thì hiệu quả kinh tế cao hơn, nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn. Tăng thu từ nguồn này chứ không phải từ thu thuế mới.

Tăng GDP không phải bằng cách khoan thêm dầu, tăng khai thác tài nguyên. Khác với trước đây, nguồn thu từ dầu thô rất nhỏ. Điều cần làm bây giờ là phải làm cho DN, người dân say sưa làm việc với chi phí thấp hơn, thủ tục hành chính bớt phiền hà hơn. Muốn đạt được như vậy phụ thuộc vào vai trò của nhà nước, ngược lại sẽ rơi vào vòng xoáy tăng thuế để bù đắp và kéo theo hậu quả rất lớn. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ e ngại vì môi trường đầu tư kém, còn DN trong nước cũng sẽ rất lo, không biết tương lai thế nào. Khi đó lại tạo vòng xoáy giảm nguồn thu.

Tôi chỉ muốn chốt lại rằng đánh thuế mới chỉ là cách làm rất ngắn hạn, bị động, bị phản ứng.

Ph.Anh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN