Tăng thuế môi trường xăng dầu là “tính quẩn”
Theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thu nhập của người dân còn thấp, năng lực cạnh tranh hàng hóa chưa cao, việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường là khá nhạy cảm.
Tăng khung là tiền đề tăng thuế
Lý giải về xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính phân tích: Mức thuế BVMT cụ thể hiện hành đối với xăng dầu đã bằng mức tối đa trong khung thuế (nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT rất khó, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. “Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu để đảm bảo tính ổn định của luật áp dụng cho thời gian dài. Do đó, chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh”, ông Thi nói.
Tăng khung thuế bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ làm tăng giá xăng dầu - Ảnh: Tạ Tôn
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tăng khung là cơ sở để đề xuất tăng thuế. Bởi nếu được Quốc hội thông qua khung thuế đề xuất trên thì việc điều chỉnh mức thuế, chẳng hạn từ mức 3.000 đồng/lít hiện nay lên mức mới, ví dụ như 5.000 đồng/lít sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Và tăng thuế hiển nhiên là tăng giá xăng bởi thuế BVMT là một yếu tố trong cơ cấu giá (gồm giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế BVMT...). Ông Long cho hay, trước đây thuế BVMT là 1.000 đồng/lít và đến năm 2015 được nâng lên 3.000 đồng/lít sau khi được nâng khung lên 4.000 đồng/lít. Khi đó, Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ việc tăng thuế BVMT lên 3.000 đồng/lít, gần kịch khung. Và hiện nay, Bộ Tài chính cũng chưa dùng hết khung thuế này.
Đối với đề xuất khung thuế BVMT với xăng 3.000 - 8.000 đồng/lít, chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho hay, giá nhập khẩu xăng dầu chỉ ở mức 9.300 - 9.400 đồng/lít nên mức thuế kịch khung 8.000 đồng/lít là quá cao. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị không tăng khung thuế cao như vậy. Theo đề xuất từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, mức tăng khung thuế BVMT với xăng nên là 3.000 - 5.000 đồng/lít; dầu diesel 1.500 - 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 - 5.000 đồng/lít.
Nên giảm thuế để tăng thu tiêu dùng
Theo ông Ngô Trí Long, Bộ Tài chính dựa vào việc thuế nhập khẩu giảm để đề xuất tăng khung thuế BVMT đối với xăng dầu, chưa thuyết phục. “Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước nên thuế nhập khẩu mặt hàng này tại các thị trường sẽ dao động 12,2 - 20%, thời kỳ cao nhất là 35%. Nay nếu tăng thuế BVMT thì tiền thuế sẽ ngang ngửa với giá nhập khẩu”, ông Long phân tích. Tương tự, chuyên gia này cũng không tán thành việc Bộ Tài chính so sánh giá xăng dầu tại Việt Nam với một số nước. “Bộ Tài chính mới chỉ so sánh với các nước có giá xăng cao, còn rất nhiều nước có giá xăng thấp hơn Việt Nam. Trong khi đó, việc cần là so sánh số tiền người dân bỏ ra để mua xăng dầu so với thu nhập của họ lại chưa được Bộ Tài chính thực hiện”, ông Long nói.
Vô lý tăng thuế xăng e5 “Các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cần phải được khuyến khích người dân sử dụng. Tuy nhiên, theo khung thuế BVMT mà Bộ Tài chính đề xuất lại tăng mạnh đối với năng lượng xanh là xăng E5 lên 2.700 - 7.200 đồng/lít. Phải chăng Bộ Tài chính đang đưa ra một bài toán luẩn quẩn?”, chuyên gia Ngô Trí Long đặt vấn đề. |
Theo vị chuyên gia, nếu so sánh giá xăng dầu hiện nay với thu nhập của người dân thì có thể tỷ lệ này xếp vào hàng cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, tăng giá xăng chắc chắn sẽ kéo theo tăng chi phí vận tải và giá nhiều sản phẩm hàng hóa. “Liệu có nghịch lý hay không khi Bộ Tài chính mấy năm qua đều đặt vấn đề khoan sức dân, kích thích sản xuất mà nay lại đề xuất cơ sở tăng thuế? Về bản chất, đề xuất này là nhằm tăng nguồn thu để bù đắp bội chi ngân sách. Nhưng không thể tăng thu mà tác động tới đời sống người dân và sức cạnh tranh của hàng hóa. Thay vào đó, Nhà nước hoàn toàn có thể giảm thuế để tăng thu từ tiêu dùng của người dân, từ hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Được biết, kể từ thời điểm đề xuất tăng khung thuế tới nay Bộ Tài chính vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động. Theo lộ trình, trong tháng 4 này, Bộ Tài chính phải hoàn thiện báo cáo tổng kết về thuế BVMT, báo cáo đánh giá tác động và hoàn thiện dự thảo. Trước đó, ngày 10/3, Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 78 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế BVMT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo kế hoạch, tháng 6 dự án luật sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ và sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay.