Tăng thuế môi trường với xăng: Giá mớ rau cũng sẽ “leo thang”?
Thông điệp tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lên kịch trần lại một lần nữa được Bộ Tài chính gióng lên trong văn bản gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây.
Theo đó, mức tăng thuế bảo vệ môi trường cao nhất là dầu hoả tăng 1.700 đồng/lít, xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít... mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít.
Đây không phải lần đầu người dân nghe được đề xuất này từ phía cơ quan soạn thảo. Và, như thường lệ, báo cáo chỉ ra, phần lớn ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương bày tỏ ủng hộ.
Thế nhưng, đó là với những cơ quan được xin ý kiến đóng góp. Còn người tiêu dùng, những người có thể sẽ trực tiếp phải rút ví thêm số tiền không nhỏ khi xăng, dầu và nhiều mặt hàng khác có khả năng sẽ cùng tăng giá, liệu có thực sự đồng tình?
Người tiêu dùng sợ giá hàng hóa tăng
Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức kịch trần trong đó riêng xăng là 4.000 đồng/lít (thay vì 3.000 đồng/lít hiện tại) lần đầu được nhắc tới hồi tháng 2 năm nay. Tới tháng 4, Bộ Tài chính công bố những ý kiến góp ý cho dự thảo với khoảng 40/60 ý kiến đồng tình.
Giá xăng dầu tiếp tục được đề xuất tăng kịch trần khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Sau khi nghe được thông tin trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thắc mắc, đóng góp ý kiến này cụ thể là những địa phương, cơ quan nào thì chưa rõ. Hiệp hội ông không nhận được sự tham khảo ý kiến nào về vấn đề trên.
Ông thừa nhận, một số hiệp hội khác như hiệp hội vận tải có liên quan lớn tới đề xuất trên nhưng ông khẳng định, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đề xuất trên là người tiêu dùng, bất kể đi xe máy hay ôtô. Dù vậy, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lại không được tham khảo ý kiến. Ông cũng bày tỏ, việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc thận trọng vì giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cả chung của thị trường.
Về phía người tiêu dùng, chị Hồng Anh, phố Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội tỏ ra khá lo lắng. Theo chị, với mức tăng 1.000 đồng/lít xăng, mỗi lần đổ xăng, chị chỉ mất thêm khoảng 5.000 đồng.
Như vậy, tính ra, 1 tháng, số tiền chênh lên so với trước kia khoảng 20.000-30.000 đồng. Khoản tiền này theo chị là không lớn nhưng điều lo lắng là giá cả mặt hàng sinh hoạt, tiêu dùng cũng “té nước theo mưa”.
“Từ mớ rau cũng có thể sẽ tăng giá. Cứ lần nào tăng lương hay tăng giá xăng mạnh là y như rằng sẽ như vậy”, chị nói.
Cùng chung lo ngại này, anh Nguyễn Phi Hùng, Thanh Trì, Hà Nội cũng cho rằng “Biết là tăng thuế bảo vệ môi trường là có mục đích tốt nhưng nếu tăng cao thì quá bất lợi cho người dân vì xăng thì có cắt giảm được đâu?”
Doanh nghiệp cũng “lo sốt vó”?
Lo lắng của chị Hồng Anh, anh Phi Hùng không phải là không có lý. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội thừa nhận, nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên kịch trần, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Nếu giá xăng, dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp cũng tăng. Từ đó, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận mua sản phẩm với mức giá bị điều chỉnh từ phía doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nói.
Với doanh nghiệp, vị đại diện hiệp hội này cho rằng, năm 2018 có thể là năm bước đà để doanh nghiệp phát triển sau khi có môi trường kinh doanh thuận lợi. Doanh nghiệp đi lên sẽ giúp tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, nếu giá cả xăng, dầu tăng lên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng.
Đặt ra bài tóan lớn hơn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, xăng, dầu là “đầu vào” của cả nền kinh tế và tác động tới mọi mặt đời sống.
“Giá xăng tăng tác động đến người tiêu dùng ra sao, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thế nào, Bộ Tài chính đã đánh giá chưa?” vị này nêu câu hỏi.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín thì có thêm quan điểm, một trong những cơ sở để cơ quan chức năng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề khác theo ông là cơ quan quản lý phải tuyên truyền và có những giải pháp cạnh tranh để người tiêu dùng thấy hiệu quả và sử dụng chứ không phải dùng “gậy hành chính”.
Ông Mạc Quốc Anh cũng có chung tâm tư. Ông nêu nghi vấn, tăng thuế bảo vệ môi trường có giúp cải thiện môi trường không? Ông cũng dẫn thắc mắc của không ít doanh nghiệp rằng, tiền thu thuế bảo vệ môi trường sẽ chi đi đâu? Điều này theo ông cần có cơ quan độc lập đánh giá.