Tăng kịch khung thuế BVMT vào giá xăng: Bộ Tài chính chưa quyết định gì cả!

Sự kiện: Giá xăng

Trước nhiều ý kiến phản đối về việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng mỗi lít, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) - ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, Bộ Tài chính chưa có quyết định chính thức nào cả!

Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet vào chiều hôm qua (9/2) về việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8000 đồng mỗi lít xăng đang gặp nhiều phản ứng của các chuyên gia cũng như bộ, ngành, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đây là dự thảo của Bộ Tài chính mới đưa ra một số nội dung nhằm lấy ý kiến và dựa trên các ý kiến để sửa đổi. 

“Hiện nay quy trình xây dựng luật đã khác, nên việc xây dựng dự thảo đưa ra các đề xuất để lấy ý kiến góp ý. ​Những đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường là những gợi mở ban đầu chứ chưa có ý kiến hay quyết định chính thức nào của Bộ Tài chính cả. Khi nào Bộ Tài chính chính thức đưa ra chương trình và quyết định nội dung cụ thể, trong đó có tổng kết và đánh giá tác động về vấn đề này để gửi cho tất cả các bộ, ngành thì lúc này Bộ Tài chính mới có quan điểm cụ thể và rõ ràng được”, ông Nguyễn Quốc Hưng khẳng định.

Tăng kịch khung thuế BVMT vào giá xăng: Bộ Tài chính chưa quyết định gì cả! - 1

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng mỗi lít đang có nhiều ý kiến phản đối.

Đánh giá về việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng mỗi lít theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI) cho rằng, quyết định trình phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu lên kịch khung là 8.000 đồng/lít có thể sẽ là bước đi kém tiến bộ nhất của Bộ Tài chính vì quyết định này sẽ đánh mất “cơ hội vàng” để cải cách hệ thống tài chính quốc gia.

“Bởi lẽ các nguồn thu từ tài nguyên, thu từ thuế nhập khẩu hay thuế hạn chế tiêu dùng luôn được xem là những nguồn thu kém bền vững hơn so với thu thuế từ thu nhập hay thuế tài sản. Việc mở ra một lối thoát hiểm bằng cách nâng khung thuế đối với xăng, dầu chỉ làm chúng ta tiếp tục thói quen chạy trốn thay vì đương đầu với thử thách”, ông Đức phân tích.

Theo dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra, mục tiêu của việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng là nhằm hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể đối với việc hạn chế tác động về môi trường.

Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet về góc độ này, chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ khẳng định rằng, hiện nay việc dùng thuế bảo vệ môi trường vào mặt hàng xăng vẫn chưa tương xứng. Việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường lên xăng hiện còn chưa hiệu quả thì việc tăng lên gấp đôi như dự thảo Bộ Tài chính đưa ra với mục đích hạn chế sử dụng xăng dầu và hạn chế tác động về môi trường là không hợp lý lắm.

Đồng tình với ý kiến này, mới đây, trong văn bản góp ý với Bộ Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng một lít, Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu mục tiêu chính sách là hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể.

Hơn nữa, nếu nói răng việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng để tăng nguồn thu cho ngân sách sẽ là giải pháp “lợi bất cập hại”, vì nếu mục tiêu chính sách là hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể, ngược lại còn khó đảm bảo bù hụt thu ngân sách, và đặc biệt sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Nói về những tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu, văn bản góp ý của VCCI cũng chỉ ra cụ thể những ngành chịu tác động đầu tiên từ chính sách này. Đó là các ngành sản xuất trong nước như vận tải, thủy sản, nông nghiệp... sẽ chịu tác động đầu tiên.

“Đối với ngành vận tải, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 25-35% đối với xe chạy xăng, 35-45% đối với xe chạy dầu. Tương tự ngành thủy hải sản tỷ trọng này là 33-59% cơ cấu giá thành. Trong nông nghiệp chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành… Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân”, văn bản của VCCI nêu. 

Trước phản ứng của các chuyên gia, các bộ, ngành về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường mới đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT, mới đây, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là động thái chủ động để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm mạnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, chính sách này cũng vừa giúp đảm bảo tính ổn định của chính sách thuế, vừa hạn chế việc buôn lậu mặt hàng này qua biên giới.

Theo phân tích của ông Liêm, hiện nay, giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN, châu Á nói chung, chính vì vậy, việc dùng thuế nội địa bù đắp thuế nhập khẩu cũng giúp giá xăng duy trì sự ổn định, phù hợp với mức giá của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu.

Cũng theo ông Liêm thì đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường lên xăng là để có thể chủ động cho việc điều chỉnh giai đoạn sau chứ không phải tăng mức thuế suất cụ thể. Do đó, đề xuất này không gây ảnh hưởng gì tới mức thuế cũng như giá cả hiện tại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến (Infonet)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN