Tăng “khủng”, giảm “nhỏ giọt”: Điều hành giá xăng dầu bất công!

“Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ mình người dân đóng góp nhưng khi tăng giá xăng dầu người dân vẫn phải chịu sự tăng lên rất cao, còn khi giảm giá lại chỉ được giảm nhỏ giọt vì bị quỹ này “khấu hết”. Điều hành giá xăng dầu đang bất công với người tiêu dùng!”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã phát biểu như vậy sau khi Bộ Công Thương ra quyết định chỉ điều chỉnh giảm 260 đồng/lít xăng RON 92 từ 15h ngày 20.7.

Tăng “khủng”, giảm “nhỏ giọt”: Điều hành giá xăng dầu bất công! - 1

Lãi doanh nghiệp hưởng, thiệt người dân chịu

Theo Quyết định của Bộ Công Thương, chênh lệch giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ điều hành lần này đều thấp hơn nhiều so với kỳ điều hành trước do giá xăng dầu thế giới giảm. Cụ thể, chênh lệch giá cơ sở với xăng là 787 đồng/lít, dầu diezel là 1.112 đồng/lít, dầu hỏa là 1.128 đồng/lít và dầu mazuts là 872 đồng/kg.

Tuy nhiên, thay vì giảm giá mạnh các mặt hàng xăng theo sự chênh lệch này thì Bộ Công Thương đã ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng xăng (từ 362-527 đồng/lít) nên giá xăng chỉ còn giảm 260-425 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, rõ ràng thay vì giảm mạnh giá xăng dầu cho người tiêu dùng thì cơ quan điều hành giá lại dùng tiền chênh lệch đó để “khóa van” Quỹ bình ổn giá xăng dầu (không chi sử dụng quỹ bình ổn cho tất cả các mặt hàng xăng) nên giá chỉ được giảm rất ít.

Ông Long khẳng định, với mức giảm giá xăng dầu lần này các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục hưởng lãi nhiều, không chỉ 300 đồng/lít xăng theo định mức. Còn người tiêu dùng thì do ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá nên chỉ được mức giá giảm quá ít. “Quỹ bình ổn hiện chỉ mỗi người dân đóng góp trong khi doanh nghiệp xăng dầu không phải đóng góp gì mà được hưởng lợi là điều quá bất công. Người tiêu dùng đang phải chịu thiệt để cho doanh nghiệp hưởng lãi ngay cả khi giá tăng và giá giảm cũng vì lý do này” - ông Long nói.

Ông Long cho rằng, lẽ ra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải đóng góp vào Quỹ bình ổn từ chính lợi nhuận của mình dù là ít. Nhưng thực tế hiện nay chỉ mỗi người tiêu dùng góp vào quỹ này . “Doanh nghiệp luôn lãi 300 đồng/lít dù giá xăng dầu thế giới và trong nước có biến động thế nào còn người dân thì chịu cảnh giá tăng thì cao vút, giá giảm thì ri rỉ” là điều hết sức vô lý. Chưa kể, cứ mỗi lần có thể giảm giá mạnh cho người dân là cơ quan chức năng lại “khấu” hiết tiền vào quỹ này” - ông Long phân tích.

Bao giờ hết “vùng mờ”?

Một chuyên gia kinh tế trong nước đã ví Quỹ bình ổn giá xăng dầu như “vùng mờ” trong quản lý, gây không ít tranh cãi vì sự thiếu minh bạch, là tiền của dân nhưng do doanh nghiệp quản lý, dân không thể giám sát; chưa kể cách quản lý và sử dụng quỹ cũng rất phức tạp.

“Thực ra, khi duy trì quỹ bình ổn này chính các cơ quan quản lý đang làm phức tạp thêm vấn đề trong điều hành quản lý giá, thay vì phải công khai minh bạch. Ví dụ đáng ra giảm giá 1.000 đồng/lít xăng nhưng ông chỉ giảm 300 đồng vì lý do còn phải “thu vào quỹ bình ổn” 700 đồng, trong khi đó chẳng ai biết là thực sự quỹ như thế nào?!” - vị chuyên gia này cho biết.

Lần giảm giá xăng này, Bộ Công Thương cũng công bố bù 527 đồng/lít xăng RON 92 nên chỉ giảm được 260 đồng/lít cho giá bán lẻ. Thế thì nhiều khả năng nay mai khi giá thế giới có biến động, các bộ ngành cũng có thể tuyên bố, Quỹ bình ổn lại phải bù từng này tiền để ổn định giá xăng dầu trong nước… Điệp khúc tăng cao - giảm thấp giá xăng dầu, rồi bù tiền ra hay rót tiền vào Quỹ cứ thế mà lờ mờ tiếp diễn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, việc tăng nhiều giảm ít hiện nay là do chúng ta chưa có cơ quan độc lập để kiểm chứng những số liệu mà doanh nghiệp xăng dầu đưa ra. Các cơ quan quản lý chỉ dựa trên số liệu của DN lớn, thậm chí lấy số liệu của Petrolimex để làm tham chiếu cho các doanh nghiệp xăng dầu khác chứ chưa có bộ phận độc lập kiểm tra, giám sát. Việc vừa quản lý, vừa điều hành giá xăng dầu của các Bộ khó có thể để người dân tin.

 “Việc cơ quan Nhà nước như Hải quan, Tổng cục thống kê công bố các số liệu về giá xăng dầu nhập về giảm mạnh trong khi giá xăng dầu bán ra trong nước không giảm tương xứng đều cho thấy sự bất cập trong việc điều hành giá mặt hàng này. Tuy nhiên, tôi thấy rõ ràng việc công bố cứ công bố còn điều hành giá bất công hay không thì người tiêu dùng cứ chịu” - ông Thắng bức xúc.

Chuyên gia này cho rằng, giá xăng dầu thế giới đã giảm rất mạnh kể từ kỳ điều hành trước (4.7) đến nay. Ngay cả giá xăng dầu của Mỹ cũng đã giảm mạnh nhưng ở ta, thuế, phí và lợi nhuận của doanh nghiệp thì cao mà giá cho người tiêu dùng lại không thấp tương xứng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận xét, kinh doanh xăng dầu vẫn là độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước và vì quyền lợi của bản thân doanh nghiệp. Đòi một cơ chế thị trường đầy đủ cho kinh doanh xăng dầu và sự tăng-giảm giá công bằng ngay bây giờ là điều không thể. Và theo bà Lan, với thực trạng điều hành xăng dầu như hiện nay thì nền kinh tế đang phải trả giá cho những khoản chi phí không rõ ràng và lợi nhuận khủng của các nhà kinh doanh xăng dầu, còn người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt.

Giá xăng tính từ đầu năm 2015 đến ngày 20.7 đã được điều chỉnh 8 lần với 4 lần giảm và 4 lần tăng.

Những lần tăng giá được tiến hành vào các ngày 11.3, 5.5, 20.5 và 19.6. Trong đó, lần tăng giá mạnh nhất là vào ngày 5.5 với mức tăng 1.950 đồng/lít. Tổng cộng 4 lần tăng giá, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 5.040 đồng/lít.

Các đợt giảm giá được tiến hành vào các ngày: 6.1 với 310 đồng/lít; 21.1 với 1.900 đồng/lít, 4.7 với 330 đồng/lít và 20.7 với 260 đồng/lít. Sau 4 lần giảm, giá xăng RON 92 giảm được 2.800 đồng/lít.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, mức tăng của giá xăng vẫn gấp khoảng 2 lần mức giảm giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN